Đác Nông : Cà-phê rụng quả hàng loạt, nguy cơ mất mùa

Gia đình ông Trần Văn Bình, ở xã Đác Sắc, huyện Đác Mil thuê phun thuốc phòng trừ rệp sáp tấn công vườn cà-phê.

Trong đó, huyện Đác Mil bị thiệt hại nặng nhất, nhiều diện tích cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh ở xã Đác Minh, Đức Mạnh, Đác Sắc, Thuận An tỷ lệ quả rụng từ 35-40% mà chưa rõ nguyên nhân, khiến hàng nghìn hộ trồng cà-phê mất ăn mất ngủ vì nguy cơ mất mùa đang hiện rõ.

Những ngày qua, nhiều người dân sốt ruột chạy đôn chạy đáo mua các loại thuốc bảo vệ thực vật về phun phòng trừ rệp sáp và các loại sâu bệnh hại vườn cà-phê, nhưng tỷ lệ quả rụng giảm không đáng kể. Trong khi đó, hiện nay quả cà-phê đã lớn, chỉ còn gần ba tháng nữa là người nông dân bước vào thu hoạch cà- phê niên vụ 2011-2012.

Gia đình ông Nguyễn Bảo Hải, ở xã Đức Minh, trồng được 2,5 ha cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Trong niên vụ vừa qua do gặp hạn hán nên vườn cà-phê của gia đình ông mất mùa, trong niên vụ năm nay vườn cà-phê của ông rất sai quả, ông Hải dự tính năng suất có thể đạt 5 tấn cà-phê nhân/ha. Tuy nhiên, trong hai tuần gần đây ra thăm rẫy ông hốt hoảng khi phát hiện vườn cà-phê của mình bị rụng quả hàng loạt, trong đó nhiều cây tỷ lệ quả rụng đến 40%. Ông Hải cho biết: “Những năm trước đây, vào khoảng thời gian này vườn cà-phê có rụng quả, nhưng tỷ lệ rụng rất ít, còn năm nay không biết nguyên nhân gì mà tỷ lệ quả rụng quá nhiều. Trong những ngày qua, tôi đã mua nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật về phun, nhất là thuốc đặc trị rệp sáp, hiện nay tỷ lệ quả rụng có giảm nhưng không đáng kể, gia đình rất lo lắng”.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Công Quảng ở xã Đác Mạnh trồng được 3 ha cà-phê, hơn 10 ngày nay, vườn cà-phê của ông xuất hiện tình trạng quả chuyển màu vàng rồi rụng hàng loạt, nhiều cây tỷ lệ quả rụng đến 35-40%. Ông Quảng lo lắng nói: “Khi phát hiện ra sự bất thường này, tôi hoảng quá đi mua thuốc bảo vệ thực vật về phun nhưng chẳng thấm tháp gì, cứ sau mỗi cơn mưa là quả rụng xanh đất, mỗi lần ra thăm rẫy thấy mà nóng ruột, bởi chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa thôi đã bước vào vụ thu hoạch rồi. Mong các nhà khoa học, các kỹ sư nông nghiệp giúp bà con nông dân chúng tôi sớm tìm ra nguyên nhân để khắc phục, chứ tình trạng này kéo dài người nông dân chúng tôi bị thiệt hại nặng nề”.

Không chỉ gia đình ông Hải, ông Quảng mà nhiều hộ trồng cà-phê ở huyện Đác Mil cũng lâm vào tình cảnh tương tự, hàng ngày họ chạy đôn chạy đáo mua các loại thuốc bảo vệ thực vật về phun phòng trừ sâu bệnh, rệp sáp, nhưng tỷ lệ quả rụng giảm không đáng kể. Ông Trần Văn Bình, ở xã Đắc Sắc, huyện Đác Mil thuê năm nhân công đi phun thuốc trừ rệp sáp trên diện tích 4 ha cà-phê của gia đình vừa về đến nhà, gặp chúng tôi ông than thở: “Chưa năm nào việc sản xuất cà-phê lại khốn đốn như năm nay. Đầu vụ bị nắng hạn làm kiệt nguồn nước tưới khiến cà-phê sinh trưởng kém, đến giai đoạn nuôi quả thì gặp mưa liên tục làm cho cây bị bệnh rụng quả. Thêm vào đó, giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường đều tăng cao, người nông dân chúng tôi cũng không đủ tiềm lực đầu tư nhiều. Với những bất lợi này, vụ thu hoạch sắp tới có thể ảnh hưởng nhiều đến năng suất và sản lượng cà-phê”.

Theo Hội Nông huyện Đác Mil, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể là do trong thời gian qua, giá các loại phân bón trên thị trường tăng cao, nên người dân chỉ bón phân cầm chừng dẫn đến vườn cây không đủ chất dinh dưỡng gây rụng trái. Bên cạnh đó, tình trạng rệp sáp tấn công các vườn cà-phê trên địa bàn thời gian gần đây cũng là nguyên nhân làm cho quả cà-phê rụng hàng loạt. Đặc biệt là trong mùa mưa năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, lượng mưa nhiều hơn các năm trước đây, khiến cây thiếu ánh sáng, độ ẩm cao cũng có thể làm cho quả cà-phê bị thối cuống rồi rụng…

Huyện Đác Mil là địa phương có diện tích cà-phê và năng suất đạt cao nhất tỉnh Đác Nông hiện nay, với hơn 18.000 ha cà-phê, năng suất bình quân đạt từ 2,3-2,8 tấn/ha, nhiều gia đình đầu tư và chăm sóc tốt năng suất đạt đến 4-5 tấn cà-phê nhân/ha.

Trước tình trạng cà-phê rụng quả hàng loạt xảy ra trên diện rộng, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Đác Nông đã chỉ đạo trạm bảo vệ thực vật các huyện phối hợp với hội nông dân ở địa phương tiến hành tìm nguyên nhân gây bệnh để có giải pháp phòng trừ hiệu quả. Trước mắt, tập trung vận động người dân tích cực tỉa cành, vặt chồi… tạo ánh sáng cho cây cà-phê và tăng cường bón các loại phân hoá học để cây đủ chất nuôi quả; phun thuốc phòng trừ bệnh nấm hồng, rệp sáp tấn công vườn cà-phê để hạn chế tình trạng rụng quả.

 

 

 

NGUYỄN CÔNG LÝ/Báo Nhân Dân

About nongdan24g

Nông dân 24giờ mỗi ngày cùng lao động tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, những hạt lúa thơm ngon, thực phẩm giàu dinh dưỡng ... và giàu lên nhờ nông nghiệp. Hãy ghé mỗi ngày tại www.nongdan24g.com để có tin nông nghiệp sản xuất mới nhất.
Bài này đã được đăng trong Nông dân 24G và được gắn thẻ , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này