Chỉ cần một xe tự chế 3 bánh có vô lăng, phía trên gắn một máy dầu loại D6, một cối xay gạo, một cối xay bắp mì và hệ thống dây coroa, dịch vụ xay xát lưu động này sẽ có mặt tại nhà trong vòng 15-30 phút sau khi khách hàng nhấc máy điện thoại.
TIỆN ÍCH VÀ GIẢM CHI PHÍ
Ông Trần Văn Mạnh, năm nay ngoài 70 tuổi, nhà ở thị trấn Long Điền, huyện Long Điền cho biết: Gia đình ông có 8 sào lúa, vừa đủ ăn chứ không bán. Những năm trước cứ mỗi tháng ông phải thuê xe chở lúa đi xay rất mất công và tốn kém. Mỗi lần đến nhà máy xay lúa ông phải đợi 2-3 ngày mới lấy được gạo đem về, vì đợi cho đủ số lượng lúa nhà máy mới hoạt động. Còn bây giờ, chỉ cần nhấc điện thoại thì dịch vụ xay xát lúa lưu động có mặt tại nhà, sau 30 phút ông đã có gạo như ý muốn. Ông Mạnh cho biết: Mặc dù dịch vụ đến tận nhà nhưng giá chỉ ngang bằng với giá xay xát lúa tại nhà máy cố định, chất lượng gạo sau khi xay rất tốt, không thua kém các nơi khác. Hiện nay, dịch vụ này đang phát triển khá nhiều tại các vùng nông thôn của Bà Rịa Vũng Tàu.
GIẢI QUYẾT CÔNG ĂN VIỆC LÀM VÀ TĂNG THU NHẬP
Anh Nguyễn Văn Tuấn năm nay 30 tuổi, chủ một dàn máy xay xát lúa lưu động tại ấp Phước Hữu, xã Long Phước (thị xã Bà Rịa) cho biết: Quê anh ở tận Thái Nguyên, cách đây 2 năm, anh vào làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh, với đồng lương công nhân ít ỏi chỉ 2,2 triệu đồng/tháng, sau khi trừ tiền thuê nhà và ăn uống, anh chẳng còn lại là bao nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Một lần đến BR-VT, thấy tại đây chưa có dịch vụ xay xát lúa tại nhà nên anh nảy ý định kinh doanh. Được người anh họ hiện đang sinh sống tại xã Long Phước, thị xã Bà Rịa cho mượn vốn, anh bắt tay mua máy móc và làm dịch vụ. Anh Tuấn cho biết: Toàn bộ chi phí cho dàn máy khoảng 21 – 22 triệu đồng, nếu máy chạy hết công suất, mỗi ngày xay xát được khoảng 2.300 – 2.500 kg lúa. Giá mỗi kg lúa sau khi xay xong là 300 đồng. Sau khi trừ chi phí, anh còn khoảng 400.000 – 500.000 đ/ngày. Riêng đối với mì hoặc bắp, công suất thấp hơn, khoảng 2.000 kg/ngày. Nhưng bù lại giá xay xát cao hơn, khoảng 340-350 đ/kg, nên thu nhập cũng ổn định. Theo anh Tuấn, để có sản phẩm chạy liên tục, ngoài giá cả phải chăng, chất lượng gạo sau khi xay xát phải đạt yêu cầu thì khâu tiếp thị khá quan trọng. Đi đến đâu anh cũng cung cấp số điện thoại cho khách hàng, để khi có nhu cầu họ gọi. Ngoài ra anh còn liên hệ với các chủ trại chăn nuôi để nhận xay xát các sản phẩm mì hoặc bắp làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Theo anh Tuấn, nhu cầu xay xát tại nhà ở các vùng nông thôn là rất cao, cái khó hiện nay của dịch vụ này là tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phương tiện vận chuyển và máy móc.
Bài, ảnh: Nguyễn Xuân Vinh/Báo Bà Rịa-Vũng Tàu