Năng suất tăng cao
Toàn tỉnh hiện có trên 4 ngàn hécta sầu riêng đang thời kỳ kinh doanh với các giống sầu riêng được trồng nhiều, như: Ri6, Dona… Các huyện có diện tích sầu riêng lớn là Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và TX. Long Khánh. Sầu riêng là cây rất khó tính, nếu không chăm sóc đúng cách cây rất dễ bị sâu bệnh, năng suất và chất lượng đều kém. Bên cạnh việc đòi hỏi các nhà vườn phải chăm sóc đúng cách, cây sầu riêng còn lệ thuộc rất lớn vào thời tiết. Tuy nhiên, vẫn có những hộ nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng các quy trình kỹ thuật mới, tránh được thời tiết bất thường đã đẩy năng suất tăng gấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân của tỉnh.
![]() |
Vườn sầu riêng của gia đình ông Hiếu ở ấp Bảo Thị, xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) nhờ áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp nên giảm tỷ lệ rụng trái, đạt năng suất cao.Ảnh: H.G |
Ông Đặng Trung Hiếu (ấp Bảo Thị, xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) kể: “Nhờ áp dụng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp nên hơn 2 hécta sầu riêng của gia đình tôi phát triển tốt, ít sâu bệnh. Năm nay thời tiết mưa nhiều, sầu riêng trong vùng đậu trái ít và hay bị thối trái, song vườn sầu riêng của tôi vẫn đạt 50-60 trái/cây, năng suất khoảng 15-17 tấn/hécta”. Ngoài cho năng suất cao, vườn sầu riêng của ông Hiếu còn cho trái sớm hơn các vườn khác khoảng nửa tháng nên giá bán khá cao. Hiện tại, trong khi nhiều vườn sầu riêng khác trái còn nhỏ thì vườn của ông Hiếu đã bắt đầu thu hoạch rải rác. Giá bán sầu riêng Ri6 đầu mùa khoảng 30 ngàn đồng/kg, cao hơn thời điểm chính vụ khoảng 10 ngàn đồng/kg. Dự tính giá sầu riêng vào chính vụ ổn định ở mức hơn 20 ngàn đồng/kg, trừ chi phí ông Hiếu còn lời trên 200 triệu đồng/hécta.
Tương tự, ông Ngô Thanh Lâm ở ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập (TX. Long Khánh), khẳng định: “Theo hướng dẫn của Trạm bảo vệ thực vật thị xã, tôi áp dụng quy trình quản lý dịch hại trên cây sầu riêng nên vườn cây ít bị bệnh, giảm được 4-5 triệu đồng/hécta tiền mua thuốc trừ sâu và công phun xịt. Do cây ít bị bệnh, phát triển tốt nên trái đậu nhiều, năng suất ước đạt 13-14 tấn/hécta, cao gần gấp đôi năm trước”.
* Nông dân quyết định thành công
Thực tế, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây sầu riêng đã được triển khai gần 10 năm nay, song số hộ nông dân trong tỉnh thực hiện đạt không nhiều. Nguyên nhân là do các nhà vườn vẫn chưa từ bỏ thói quen canh tác truyền thống, trồng xen nhiều loại cây trong vườn và thiếu vốn đầu tư. Bà Trịnh Thị Dịu, Trưởng trạm bảo vệ thực vật Xuân Lộc – Long Khánh, cho biết: “Do kinh phí có hạn nên mỗi năm trạm chỉ triển khai được 1-2 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây sầu riêng và phần hỗ trợ cho nông dân chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng/mô hình. Trong khi nông dân đầu tư bài bản theo đúng quy trình cho 1 hécta sầu riêng phải mất 60-65 triệu đồng/năm. Vì vậy, nông dân muốn thực hiện được quy trình trên phải vừa có vốn và chịu khó học hỏi kinh nghiệm”.
Sầu riêng là một trong 3 loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh nên các hộ trồng mới từ năm 2011 sẽ được tỉnh hỗ trợ 100% giống, một phần kinh phí mua phân bón trong 4 năm liền và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Những hộ thâm canh sẽ được hỗ trợ khoảng gần 1/3 kinh phí đầu tư phân bón trong 3 năm liền. Mục đích của tỉnh là tạo ra các vùng chuyên canh cây sầu riêng lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa có thể đáp ứng được các đơn đặt hàng lớn trong và ngoài nước. |
Theo những nông dân đã thực hiện thành công mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây sầu riêng ở huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TX.Long Khánh thì quy trình này đòi hỏi nhà vườn phải tuân thủ các biện pháp canh tác cơ bản, như: làm vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt các cành nhánh bị sâu bệnh để tiêu hủy triệt để, tưới nước đầy đủ vào mùa khô, thoát nước tốt vào mùa mưa… Ngoài ra, các nhà vườn nên tăng cường sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục bón phân vô cơ đúng thời điểm, liều lượng và vào đầu mùa mưa phải phun thuốc phòng bệnh.
Hiện nay, sầu riêng ở Đồng Nai năng suất bình quân chỉ đạt gần 7 tấn/hécta/năm. Khoảng 2-3 năm lại đây, do biến đổi khí hậu nên thời tiết bất thường làm ảnh hưởng không nhỏ đến cây sầu riêng. Cụ thể, năm 2010 hạn hán làm cây sầu riêng ra bông đậu trái ít, chất lượng kém. Còn năm nay, mưa nhiều khiến cây bị sâu bệnh, trái thối, năng suất dự kiến thấp hơn năm 2010. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, nếu nông dân áp dụng tốt các quy trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây sầu riêng không những sẽ giảm bớt được thiệt hại do thời tiết mà còn lời cao.