Giỏ lục bình xuất ngoại

Những cây lục bình dân dã dưới bàn tay khéo léo của người thợ đã trở thành sản phẩm gia dụng được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới. Nhờ có đầu ra ổn định nên từ nhiều năm nay nghề đan giỏ lục bình đã giúp nhiều gia đình trong tỉnh có việc làm đều đặn với mức thu nhập khá.

Nghề đan lục bình phù hợp với mọi lứa tuổi

TÌM ĐƯỜNG XUẤT KHẨU

Từ đầu con đường lởm chởm đất đá dẫn vào tổ 43, khu phố Hải Tân, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) có khá nhiều hộ gia đình mưu sinh bằng nghề đan giỏ lục bình. Trong vườn của các gia đình, sợi lục bình khô vừa nhập về chất ngổn ngang tràn cả ra đường. Trước cửa hay trong góc nhà, từng chồng đôn, giỏ, túi xách đủ kích cỡ, kiểu dáng đang được xếp gọn, chờ chất lên xe đi giao cho khách hàng. Trong nhà, đàn ông, phụ nữ, trẻ em tay thoăn thoắt luồn dây đan thân giỏ và may quai giỏ một cách thuần thục.

Anh Lê Văn Đạt (quê ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) trú tại tổ 43 Ô4, khu phố Hải Tân cho biết, năm 1993, anh đưa gia đình vào Long Hải lập nghiệp. Ban đầu, hai vợ chồng anh đi làm công nhân ở cảng cá Long Hải, nhưng thu nhập bấp bênh. Thấy ao hồ có khá nhiều lục bình, anh đi cắt về phơi khô và đan thành túi xách rồi chở đi chào hàng ở các shop hàng lưu niệm ở đường Pasteur, TP. Hồ Chí Minh.

Công việc làm ăn dần phát đạt, năm 2007, anh Đạt thành lập DNTN Hiệp Hòa, chuyên sản xuất các sản phẩm từ lục bình xuất khẩu sang các nước Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Brazil… Mỗi ngày, DNTN Hiệp Hòa xuất từ 300-500 sản phẩm làm từ lục bình các loại, doanh thu đạt từ 12-15 tỷ đồng/năm. 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế thế giới, lượng đặt hàng có giảm nhưng DNTN Hiệp Hòa vẫn bảo đảm việc làm đều đặn cho khoảng 300 lao động ở thị trấn Long Hải, xã Phước Hưng (huyện Long Điền), xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu), xã Tân Phước và Phước Hòa (huyện Tân Thành) với mức thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.

NGHỀ PHÙ HỢP VỚI MỌI LỨA TUỔI

Đan hàng bằng lục bình khá dễ dàng, chỉ cần để ý quan sát, cộng thêm chút khéo léo, cần cù là có thể làm được, bất kể độ tuổi, giới tính. Anh Đào Ngọc Thạch (ở số 128 tổ 43, khu phố Hải Tân) cho biết, cả nhà anh cùng làm nghề đan lục bình: Anh phụ trách khâu đúc khuôn; vợ anh vừa nhận hàng về đan và kiêm dạy nghề đan giỏ lục bình cho lao động nông thôn do Trung tâm Khuyến công tỉnh tổ chức; các con anh sau giờ học cũng làm thêm phụ giúp ba mẹ. “Trong khi nhiều bậc phụ huynh “đau đầu” vì con cái mê chơi game, lười làm việc nhà, thì đan lục bình là cách giáo dục cho các con thói quen chia sẻ việc nhà với cha mẹ và ý thức góp sức lao động trong việc tạo ra của cải cho bản thân, gia đình và xã hội”, anh Thạch nói. Với chị Nguyễn Thị Hà, việc chăm sóc gia đình, con cái, lại chăn nuôi heo khiến chị bận rộn cả ngày, nhưng hễ có thời gian rảnh là chị lại nhận hàng về làm để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống và duy trì nghề truyền thống của cha ông.

Mỗi năm, Trung tâm Khuyến công tỉnh đều mở lớp dạy nghề đan lục bình ở các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Theo anh Lê Văn Đạt, trong xu hướng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng gia dụng làm từ lục bình ngày càng được ưa chuộng ở các nước phát triển, các lớp dạy nghề đan lục bình được mở kịp thời đã giúp các cơ sở sản xuất lục bình có thêm thợ lành nghề để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo ở các vùng nông thôn.

Bài, ảnh: MINH HIỀN/Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

About nongdan24g

Nông dân 24giờ mỗi ngày cùng lao động tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, những hạt lúa thơm ngon, thực phẩm giàu dinh dưỡng ... và giàu lên nhờ nông nghiệp. Hãy ghé mỗi ngày tại www.nongdan24g.com để có tin nông nghiệp sản xuất mới nhất.
Bài này đã được đăng trong Giao thương và được gắn thẻ , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này