Hiện nay, bà con nông dân ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành đang tất bật thu hoạch táo cuối vụ và tuyển cành để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Những năm qua, cây táo đã đem lại lợi nhuận kinh tế khá cao cho người dân nơi đây, góp phần rất lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, nhất là hộ ít đất sản xuất.
Anh Trần Thành Thật, ở ấp Đông Lợi B đang thu hoạch táo cuối vụ cho biết: “Cứ mỗi khi đến mùa thu hoạch, thương lái thường đến tận vườn thu mua và bao vườn đến cuối vụ. Táo nơi đây thường bắt đầu bẻ trái vào khoảng tháng 5 âm lịch và kéo dài cho đến cuối tháng chạp. Cứ khoảng 5-6 ngày là hái trái một lần và hái xuyên suốt trong thời gian hơn 6 tháng. Do đây là cây trồng cho thu nhập thường xuyên, nên nhiều người dân nơi đây đã chuyển từ cây lúa, cam… sang trồng táo”. Gia đình anh Thật đã có truyền thống trồng táo lâu đời. Theo anh Thật, đây là vườn táo của cha anh để lại, những cây táo này đã có tuổi đời gần 20 năm. Người dân nơi đây chỉ trồng giống táo Hồng Gân, vì giòn, ngọt và ngon hơn hẳn so với một số loại táo khác. Giống táo này được cha anh và một số người bạn đưa về từ tỉnh Tiền Giang, lúc đầu do chưa biết kỹ thuật chăm sóc, chỉ trồng thử với số lượng ít. Qua nhiều năm đúc kết kinh nghiệm, tham quan mô hình từ nhiều nơi và nhận thấy đây là cây trồng rất thích hợp với vùng đất địa phương, nên gia đình anh đã nhân rộng diện tích.
Hiện, gia đình anh Thật trồng được 4 công với 300 gốc táo, mỗi lần thu hoạch từ 500-700kg, vào thời điểm rộ có lúc lên đến 2 tấn. Bán với giá từ 8.000-9.000 đồng/kg vào thời điểm đầu vụ hay các ngày rằm, còn về cuối vụ giá thường dao động ở mức 3.000-4.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch trên 20 tấn trái, sau khi trừ các khoản chi phí, thu về lợi nhuận trên 140 triệu đồng. Anh Thật cho biết thêm: “Hiện nay đầu ra của sản phẩm rất thuận lợi, chỉ cần thu hoạch xong là có lái đến thu mua tại vườn, còn giá cả thì mỗi năm mỗi tăng, điều này đã làm cho người trồng táo nơi đây càng thêm phấn khởi”.
Theo kinh nghiệm của anh Thật và nhiều người trồng táo nơi đây, táo là loại cây ưa nền đất ẩm, nên cần cung cấp đầy đủ nước và nhiều dinh dưỡng cho cây phát triển. Do đó, người trồng cần chủ động nguồn nước tưới tiêu, nếu đủ nước thì cây sẽ cho trái to, da căng, mỏng và thu hoạch đúng thời vụ. Ngược lại, nếu thiếu nước trong thời kỳ phát triển thì trái táo sẽ bị héo và rụng hết. Đặc biệt, sau khi thu hoạch xong, bà con cần tiến hành đốn tàn và chờ cây đâm nhánh non, mỗi cây chỉ chọn từ 3-4 nhánh khỏe để trái cho mùa kế tiếp. Nếu táo được chăm sóc tốt, một cây táo mỗi năm có thể thu hoạch từ 40-60kg trái.
Hiện nay, không chỉ riêng gia đình anh Thật, mà còn nhiều hộ dân ở xã Đông Phước xem cây táo là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ông Trần Văn Nhu, ở cùng ấp Đông Lợi B cho biết: “Gia đình đã gắn bó với cây táo trên 10 năm, lúc trước chỉ trồng cam và làm ruộng, nhưng làm vất vả quanh năm mà cuộc sống vẫn túng quẫn. Thấy nhiều người trồng táo mang lại lợi nhuận kinh tế cao, nên mạnh dạn chuyển đổi từ cây cam sang trồng táo, từ đó cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn. Năm nay, với gần 270 gốc táo, với mức giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình còn lợi nhuận trên 60 triệu đồng”. Theo anh Lâm Văn Mal, cán bộ Bảo vệ thực vật xã Đông Phước, vấn đề trở ngại lớn nhất đối với cây táo hiện nay là bệnh phấn trắng, thán thư và côn trùng gây hại, làm cho nhà vườn phải bỏ ra nhiều chi phí đầu tư và công chăm sóc.
Ông Đặng Đoàn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phước cho biết, toàn xã hiện có 20ha táo đang vào mùa cho trái, có trên 25 hộ sống nhờ vào nguồn thu từ cây táo, tập trung ở ấp Đông Lợi A, Đông Lợi B, Đông Phú. So với các loại cây ăn trái khác trên địa bàn, thì cây táo mang lại hiệu quả kinh tế không thua kém gì. Hiện nay, thị truờng đầu ra của sản phẩm rất thuận lợi, cứ đến vụ là có thương lái vào tận vườn thu mua. Một số người dân còn liên kết được với các siêu thị để bán trái trực tiếp nên lợi nhuận càng được nâng lên. Hướng tới, xã sẽ tiếp tục vận động bà con nhân rộng mô hình, đặc biệt là đối với những hộ nghèo, có ít đất sản xuất. Vì mô hình trồng táo thời gian qua đã mang lại lợi nhuận kinh tế rất rõ nét, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình và vươn lên thoát nghèo bền vững của nhiều hộ nông dân ở địa phương…