Nhiều mặt hàng phân bón hứa hẹn bình ổn giá vào vụ đông xuân 2011. Ảnh: D.H
|
Đến thời điểm này, mặt hàng phân bón vẫn lệ thuộc lớn vào nguồn hàng nhập khẩu (mỗi năm VN cần nhập 50% nhu cầu phân đạm, 70% nhu cầu DAP, 100% kali). Ông Thúy khẳng định, giá phân bón thế giới tăng sẽ tác động trực tiếp đến thị trường phân bón trong nước, nên dù muốn hay không, việc bình ổn giá vào những thời điểm “nóng” của thị trường vẫn là một thách thức lớn của ngành phân bón.
Từ đầu năm 2011 đến nay, giá phân bón trong nước đang nhích lên từng ngày. Chỉ trong vòng một tháng, giá urê cả nước đã tăng thêm trung bình khoảng 700đ/kg. Theo đó tại TPHCM, giá urê đang ở mức 9.500đ/kg, tại Đà Nẵng là 9.000đ và Cần Thơ là 9.200đ. Tại Hà Nội, mức tăng nhẹ hơn với 200đ/kg, đạt 9.200đ/kg.
Như vậy, so với tháng 1.2011, giá phân urê tại Cần Thơ đã tăng 7,35%, Đà Nẵng tăng 5% và TPHCM tăng 4,1%. Cũng theo dự báo của FAV, sản xuất nông nghiệp của cả năm 2011 sẽ cần đến khoảng 900.000 tấn kali. Do ngành phân bón nước ta vẫn chưa sản xuất được loại phân bón này do không có mỏ kali nguyên liệu nên phụ thuộc 100% vào nhập khẩu. Hiện giá phân kali nhập khẩu đang giữ mức cao như kali Canada 11.000đ/kg, kali Israel là 10.500đ/kg.
Chặn “sốt” giá bằng hàng dự trữ?
Trước lo ngại của không ít bà con về việc phân bón tiếp tục tăng giá mạnh vào chính vụ, FAV khẳng định sẽ tìm mọi cách để chặn tình trạng sốt giá và “găm” hàng như mọi năm. Theo FAV, hiện lượng phân urê tồn kho cả nước có khoảng trên 750.000 tấn, lượng này đảm bảo đủ phục vụ sản xuất đông xuân 2011 trên toàn quốc, đồng thời đủ để chặn các cơn sốt giá. Dự kiến, tổng nhu cầu phân đạm của cả nước cho vụ đông xuân trong quý I/2011 khoảng 440.000 tấn, trong đó riêng nhu cầu của các tỉnh phía bắc khoảng 230.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy – TCty Phân bón và Hóa chất dầu khí đạm Phú Mỹ – từ nay đến cuối năm sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 320.000 tấn đạm Phú Mỹ và các loại phân bón nhập khẩu khác, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu phân đạm cho vụ đông xuân 2011. Cùng với hơn 150.000 tấn hàng tồn kho lưu thông trên thị trường từ 2010. Như vậy, theo tính toán cung cầu, vụ đông xuân này chỉ cần nhập khẩu dưới 200.000 tấn đạm là đủ nhu cầu và ổn định giá cả thị trường.
FAV đã đề xuất với Chính phủ về việc chỉ đạo DN tăng công suất, tạm dừng xuất khẩu, đề nghị Ngân hàng Nhà nước ưu tiên tăng nguồn cung ứng ngoại tệ để nhập khẩu lượng phân bón còn thiếu. Bộ NNPTNT cũng đã có các phương án đề xuất Chính phủ khuyến khích các DN sản xuất hàng trong nước nhằm nâng cao sức cạnh tranh như: Cho vay vốn với lãi suất ưu đãi vào các tháng không phải mùa vụ, giúp DN chủ động dự trữ nguyên liệu, duy trì sản xuất liên tục, điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào như lưu huỳnh, đạm SA, kali, xăng dầu…