![]() |
Mùa thu hoạch đậu phộng |
Ông Cảnh tâm sự: “Gia đình tôi trồng đậu phụng đã gần 20 năm nay, mỗi năm trồng khoảng 1,8ha đậu phộng trong vụ đông xuân. Cây đậu phụng rất phù hợp với đất cát ở đây nên đạt năng suất cao, bình quân 40 tạ/ha, cá biệt có năm đạt trên 45 tạ/ha. Những năm gần đây đậu phộng được giá nên đã đem lại cho gia đình một nguồn thu nhập đáng kể.
Được biết, vụ đông xuân năm nay, nông dân xã Cát Trinh đưa vào sản xuất 465ha đậu phộng, tăng 158ha so với năm trước. Trong đó, có gần 30ha chuyển từ đất sản xuất lúa 1 vụ/năm, còn lại là tăng vụ trên chân đất mỳ và diện tích đất vườn nhà. Hầu hết các hộ tham gia trồng đều tích cực đầu tư thâm canh cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư đào ao, khoan giếng để bơm tưới. Ngoài ra, trong vụ này xã cũng đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn trồng đậu phộng tại thôn Phú Kim và Phong An, với quy mô 37,5ha, có 120 hộ nông dân tham gia sản xuất giống L14, liên kết với viện Khoa học kỹ thuật duyên hải Nam trung bộ và được ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Từ đó, đã tăng cường mối liên kết giữa 4 nhà “nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông” giúp tạo cầu nối giữa nông dân với các nhà khoa học trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, góp phần thay đổi một số tập quán sản xuất chưa phù hợp của bà con.
Nhờ vậy, năng suất đậu phụng ở xã Cát Trinh đạt bình quân từ 40 – 45 tạ/ha, sau khi trừ chi phí, mỗi ha đậu phụng, nông dân thu lãi trên 70 triệu đồng, cao gấp 4 – 6 lần trồng lúa và gấp 2 lần so với các loại cây trồng cạn khác như cây mỳ, đồng thời còn tận dụng dây đậu để tạo ra nguồn thức ăn cho chăn nuôi bò. Ngoài ra, diện tích đất sau khi thu hoạch đậu phộng, nông dân còn đầu tư trồng một số loại cây trồng khác như mỳ, mè, đậu xanh. Từ đó, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế ổn định và đã xuất hiện nhiều hộ nông dân khá, giàu.