
Ngành chăn nuôi VN đang cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước mới có thể hội nhập vào kinh tế thế giới (Nguồn: Internet)
Viễn cảnh ngành chăn nuôi trong nước bị lép vế trước các nước khác khi gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ngày một hiển hiện khi ngành chăn nuôi trong nước còn quá non yếu.
Nguy cơ hiển hiện
Ngày 22.6, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hội Chăn nuôi VN đã tổ chức hội thảo “Tác động của TPP đến ngành chăn nuôi”. Đây được xem là ngành kinh tế chịu tổn thương nhiều nhất khi TPP phủ sóng tới VN.
Theo ông Đoàn Xuân Trúc – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chăn nuôi VN, ngành chăn nuôi nước ta đang có năng suất lao động quá thấp, chẳng hạn trong khi một trang trại heo sinh sản quy mô 1.000 con ở Mỹ chỉ có 1 lao động thì ở VN là hơn 20 người. Chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, liên kết chuỗi trong chăn nuôi yếu, quá nhiều khâu trung gian và lãi suất ngân hàng cao làm giá thành sản xuất chăn nuôi ở VN cao, khả năng cạnh tranh thấp.
Theo một kết quả nghiên cứu, giá thành sản xuất thịt heo ở Mỹ thấp hơn 20 – 30% so với ở VN. Giá thành 1kg thịt bò Úc nhập về VN để giết mổ sau khi đã trừ các chi phí vận chuyển, thuế, kiểm dịch, nuôi cách ly, giết mổ… khoảng 170.000 – 180.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt bò nuôi tại VN giá hơn 200.000 đồng/kg mà chất lượng lại không bằng thịt bò Úc. Cho đến nay, không có thông tin cụ thể nào về những yêu cầu của các đối tác với VN trong việc mở cửa thị trường chăn nuôi. Mặc dù vậy, có thể suy đoán một trong những kênh tác động lớn nhất của TPP đến ngành chăn nuôi là việc loại bỏ hàng rào thuế quan nhập khẩu trong khuôn khổ của TPP, khi thuế quan nhập khẩu của tất cả các mặt hàng sẽ đưa về 0%. Điều này sẽ gây bất lợi lớn cho ngành chăn nuôi, cụ thể là hai sản phẩm thịt gà, thịt heo phải đối mặt với các sản phẩm của Mỹ và Canada, thịt bò với thịt bò nhập khẩu từ Úc và New Zealand.
So sánh riêng giữa VN và Mỹ, mặc dù trong thời gian qua VN áp dụng mức thuế nhập khẩu 15% cho sản phẩm thịt heo của Mỹ và một số hàng rào bảo hộ trong nông nghiệp nhưng VN vẫn là nước có khối lượng nhập khẩu thịt heo lớn nhất từ Mỹ. Do đó, khi tham gia Hiệp định TPP, xuất khẩu thịt heo của Mỹ sang VN ước tính lên đến 100 triệu USD, gấp 43,2 lần so với kim ngạch nhập khẩu thịt heo của VN từ Mỹ năm 2014. Mỹ cũng là nước xuất khẩu thịt bò lớn vào VN. Hiện tại, Mỹ đang chịu suất thuế xuất khẩu thịt bò đông lạnh loại thịt lọc không xương là 14%, các loại khác là 20% nhưng kim ngạch xuất khẩu thịt bò đông lạnh của Mỹ vào VN năm 2014 đạt khoảng 16 triệu USD, do đó khi thuế nhập khẩu giảm xuống thì thịt bò của Mỹ sẽ tràn vào VN là điều không tránh khỏi. Mỹ còn là nước cung ứng lớn nhất các phụ phẩm gà cho VN, chiếm tới 65% tổng kim ngạch nhập khẩu gà của VN giai đoạn 2005 – 2014. Nếu VN không có chính sách hỗ trợ cho ngành hàng này thì việc thu hẹp sản xuất hoặc nguy cơ mất thị trường của sản phẩm gà nội địa sau khi gia nhập TPP là điều nhìn thấy trước mắt
Chạy đua nước rút
Tại hội thảo, PGS-TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế VN nói: “Quả ngọt hội nhập có lẽ nằm ngoài tầm với của doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa. Nếu nhà nước không thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư, cứ cung cách như hiện nay, chăn nuôi sẽ khó khăn. Hầu như các doanh nghiệp chăn nuôi chưa chuẩn bị hành trang hội nhập, họ lo lắng và không hiểu rõ nội dung công cụ bảo vệ thị trường nội địa như thế nào. TPP là sân chơi có độ khốc liệt hơn hẳn WTO, vào đây là mặt đối mặt, là chơi sát ván, nếu nông dân VN không được yểm trợ bằng sự định hướng lâu dài thì họ sẽ tiếp tục bơ vơ”. Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nhận định: “Ngành chăn nuôi sẽ được định hướng ra sao, ai sẽ là người đóng vai chính? Đây là một câu hỏi khó. Dĩ nhiên doanh nghiệp sẽ là người đứng ra cạnh tranh với nước ngoài, nhưng chúng ta không thể bỏ nông dân. Có thể trong quá trình chuyển đổi nông dân sẽ dần dần bị phân hóa, nhưng phải có giai đoạn quá độ chứ không thể đột ngột bỏ rơi họ. Cục sẽ kiến nghị Nhà nước có chính sách tập trung hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ, còn các doanh nghiệp lớn thì họ rất linh hoạt, nhanh nhạy và không chờ đợi, chỉ cần Nhà nước tạo cho họ chính sách, họ sẽ tự phát triển”.
Hội Chăn nuôi kiến nghị: “Để ngành chăn nuôi chủ động hội nhập, cần cân đối lại cơ cấu vật nuôi, tăng năng suất, hạ giá thành bằng cách tổ chức quy mô lớn, hiện đại; tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi. Đây là giải pháp quan trọng để bỏ các khâu trung gian nhằm hạ giá thành, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính phủ cùng các bộ ngành địa phương cần có các quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các hội, hiệp hội ngành nghề tham gia sâu rộng và có hiệu quả vào các dịch vụ công như các hội, hiệp hội ở các nước khác đang làm. Cần tạo điều kiện cho các hội, hiệp hội thực hiện chức năng tư vấn, phản biện xã hội và phổ biến kiến thức trong ngành chăn nuôi. Để giảm bớt khó khăn cho ngành chăn nuôi trong hội nhập, đề nghị Chính phủ cho áp dụng cơ chế được vay lãi suất ưu đãi và theo chu kỳ sản xuất với các cơ sở sản xuất con giống, chăn nuôi thương phẩm, giết mổ, chế biến…”.
Tuy nhiên, trao đổi tại hội thảo, đa số các doanh nghiệp, chủ trại chăn nuôi đều cho rằng các giải pháp đưa ra cho đến nay vẫn còn quá vĩ mô, người chăn nuôi vẫn còn mơ hồ và hầu như chưa biết được họ phải làm gì, được hỗ trợ thế nào để có thể cạnh tranh được khi hội nhập quốc tế.
nongdan24g.com-theo Út Trương/Báo Một thế giới