Xuất hiện nhiều loài chim trong Sách đỏ ở Bạc Liêu

Cuối tháng 5, lúc bắt đầu những cơn mưa đầu mùa, chúng tôi trở lại sân chim Bạc Liêu và ngạc nhiên khi thấy có nhiều loài chim quý hiếm xuất hiện tại nơi đây.

Thực ra, chuyến đi này nằm trong khuôn khổ dự án bảo tồn sân chim do trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển (CBD) phối hợp với các cán bộ vườn chim Bạc Liêu. Chúng tôi đã có chuyến khảo sát trong 10 ngày để tìm hiểu thành phần, đếm số lượng tương đối của một số loài và lập ô mẫu để tính mật độ trứng, chim non trong sân chim.

Sân chim Bạc Liêu có hơn 100 loài chim, cò và hơn 60.000 cá thể khác trú ngụ. Với diện tích 130 ha, sân chim được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên và có ý nghĩa quan trọng trọng việc bảo tồn sinh cảnh đất ngập nước ven biển, bảo tồn nơi cư trú và sinh sản của nhiều loài chim nước, như: cồng cộc, diệc, bồ nông, vạc, điêng điểng…

Ngay từ những ngày đầu tiên, trên chòi quan sát 2 tại sân chim, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy ở khu vực chim làm tổ, có nhóm cốc đế (Phalacrocorax carbo), điêng điểng (Anhinga melanogaster) và bồ nông (Pelecanus philippensis)… Đây là những loài chim quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN.

Lúc đầu trên chòi quan sát, chúng tôi chỉ nhận diện được những cá thể bồ nông với số lượng là tám cá thể, điêng điểng loài định cư trong sân chim với số lượng tương đối nhiều: 141 cá thể. Còn nhóm cốc đế thì từ chòi quan sát, lúc đầu chúng tôi thấy rất giống nhóm cốc Ấn Độ (Phalacrocorax fuscicollis). Chỉ khi tiến hành khảo sát thành phần loài, theo các lối mòn trong rừng, chúng tôi mới xác nhận sự hiện diện của nhóm này ở đây. Cốc đế tập trung rất nhiều trong khu vực làm tổ của sân chim, khoảng 57 cá thể.

Đây là lần đầu tiên nhóm cốc đế, bồ nông tập trung nhiều ở sân chim (khảo sát năm 2003-2007 không có sự xuất hiện của hai loài này). Đó là dấu hiệu đáng mừng trong công tác bảo tồn của vườn chim Bạc Liêu, khi trong những năm gần đây số lượng nhiều loài chim quý hiếm ở Việt Nam đã và đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, áp lực mà sân chim đã và đang gặp phải là những hộ dân sống xung quanh vùng đệm vẫn thường xuyên vào bắt chim và lấy trứng trong khu vực làm tổ.

Do đó, ban quản lý sân chim cần có những biện pháp khắc phục những vấn đề trên như tuần tra các cửa ra vào, cũng như các lối mòn nhỏ trong sân chim và tuyên truyền cho người dân sống xung quanh vùng đệm hiểu được tầm quan trọng trong công tác bảo tồn của sân chim để phục vụ tốt hơn nữa việc bảo vệ các loài chim quý hiếm, cũng như lưu trữ tốt hơn nguồn gen quý, giúp cho công việc nghiên cứu khoa học sau này và tạo môi trường sống tự nhiên hơn, tránh sự tiếp xúc đối với con người để các loài này tiếp tục sinh sống, làm tổ trong sân chim.

Đàn chim hiếm xuất hiện ở sân chim Bạc Liêu

Trên chòi quan sát 2 tại sân chim, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy ở khu vực chim làm tổ, có nhóm cốc đế (Phalacrocorax carbo), điêng điểng (Anhinga melanogaster) và bồ nông (Pelecanus philippensis)…

Cốc đế mái:Cốc đề có kích thước từ 86 – 100 cm, với bộ lông màu đen, chân có màng bơi và đôi mắt màu xanh dương. Ở các nước Đông Á, ngư dân thường dùng loài này để săn bắt cá trên sông. Ở Việt Nam, loài này thường xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long và sống ở các khu vực đất ngập nước, sông, hồ. Sinh sản từ tháng 3-5 và thức ăn chủ yếu là các loài tôm, cá và phiêu sinh dưới nước. Hiện nay số lượng loài này đã giảm sút rất nhiều, chủ yếu là do mất môi trường sống cũng như tình trạng săn bắn quá mức. Số lượng trong sân chim hiện tại khoảng 57 cá thể và đã thấy chúng làm tổ và có con non trong sân chim. Loài này đựợc xếp vào loài đang bị đe doạ rất nguy cấp nằm trong Sách đỏ Việt Nam bậc (EN) và sắp bị đe doạ đối với Sách đỏ IUCN bậc (NT). Ảnh: Phùng Bá Thịnh

Cốc đế trống. Ảnh: Phùng Bá ThịnhBồ nông chân xám: Kích thước từ 127-140cm, là loài chim nước lớn với bộ lông màu trắng xám. Chân có màng bơi rộng và mỏ to, dài. Khi bay phải lấy đà và cổ co lại nhằm giúp cơ thể tránh tiếp xúc với gió, giúp chúng bay nhanh hơn. Thường sống thành bầy đàn, và kiếm ăn ở các khu vực cửa sông (khi kiếm ăn, chúng chỉ há to mỏ ra và tự động con mồi sẽ chui vào bên trong miệng). Phân bố ở khắp cả nước và làm tổ ở các bờ sông lớn. Ở sân chim số lượng bắt gặp là 8 cá thể và đây là loài sống lang thang, không làm tổ trong sân chim. Loài này được xếp vào loài đang bị đe doạ rất nguy cấp nằm trong Sách đỏ Việt Nam bậc (EN) và sắp bị đe doạ đối với Sách đỏ IUCN bậc (NT). Ảnh: Phùng Bá ThịnhChim điêng điểng (hay cổ rắn). Ảnh: Diệp Đình Phong

 Chim điêng điểng con: Kích thước từ 85-97cm, với bộ lông trên cánh màu ttrắng xám. Cổ và ngực lông có màu nâu. Khi bay cổ dài ra trông giống như con rắn nên dân gian vẫn thường quen gọi là chim “cổ rắn”. Chúng sống ở các khu vực ao, hồ, đất ngập nước và phân bố ở khắp cả nước. Ở sân chim Bạc Liêu, loài này sống định cư và số lượng còn tương đối nhiều (175 cá thể, nhiều nhất trong năm). Loài này được xếp vào loài đang bị đe doạ sẽ nguy cấp nằm trong Sách đỏ Việt Nam bậc (VU) và ít lo ngại đối với Sách đỏ IUCN bậc (LC). Ảnh: Phùng Bá Thịnh Bồ nông chân xám đang bay. Ảnh: Phùng Bá Thịnh

Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Advertisement

About nongdan24g

Nông dân 24giờ mỗi ngày cùng lao động tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, những hạt lúa thơm ngon, thực phẩm giàu dinh dưỡng ... và giàu lên nhờ nông nghiệp. Hãy ghé mỗi ngày tại www.nongdan24g.com để có tin nông nghiệp sản xuất mới nhất.
Bài này đã được đăng trong Nông dân 24G và được gắn thẻ , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s