Giới chuyên môn cảnh báo doanh nghiệp trong nước cần phải tỉnh táo để tránh bị ép giá, thao túng giá
Tình trạng thương nhân Trung Quốc (TQ) sang Việt Nam tìm mua nông sản đã có từ vài năm qua, nhưng đặc biệt năm nay, mức độ gom mua khá ồ ạt với tần suất ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu dừng. Tình trạng này đã làm giá cả nhiều loại nông sản trong nước tăng cao.
Thiếu nguyên liệu
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết lâu nay, thương nhân TQ vẫn thường sang thu mua nguyên liệu tôm nhưng năm nay, họ còn mua nhiều loại hải sản khác từ các tàu đánh bắt hải sản và cả trên bờ. Do thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã phải đẩy giá lên để thu mua nhưng vẫn thiếu hàng.
Tại miền Trung, các DN chế biến thủy hải sản còn phải đối phó với thương nhân TQ săn lùng vơ vét tôm nguyên liệu tận ao nuôi. Hiện giá tôm thẻ chân trắng tại ao (loại 100 con/kg) lên đến 90.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 57.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc lo ngại khó khăn trong việc cạnh tranh nguyên liệu, cộng với chi phí đầu vào (xăng dầu, điện nước, công lao động…) tăng nhanh khiến từ đầu năm đến nay, có khoảng 147 DN chế biến, xuất khẩu hải sản quay lưng với ngành này. Theo bà Sắc, Indonesia đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu hải sản trong nước, Việt Nam cũng nên nghĩ tới phương án thích hợp để giữ nguồn nguyên liệu.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết: Ước tính đã có khoảng 20% sản lượng tiêu bị thương nhân TQ thu gom. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cân bằng trong ngành kinh doanh hồ tiêu trong nước.
Lãi cao vì trốn thuế
Theo ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường, chỉ trong 2 tháng qua đã có khoảng 70.000 tấn đường bán sang TQ. Sắp tới, mặt hàng đường sẽ còn tiếp tục “chảy” sang TQ do năm nay nước này thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn đường so với nhu cầu.
Nhiều DN tiết lộ: Thương nhân TQ tăng cường mua vét nguyên liệu nông sản của Việt Nam còn do có lợi thế là trốn thuế nên lãi cao. Giới chuyên môn cảnh báo DN trong nước cần phải tỉnh táo khi buôn bán với thương nhân TQ. Họ thường đẩy giá lên cao trong một thời gian ngắn, sau đó tìm đủ mọi cách để ép giá, khiến giá giảm thê thảm; thậm chí bất ngờ không “ăn” hàng gây bất lợi cho nông dân đã đổ xô trồng hoặc chăn nuôi đến mùa vụ phải bán tháo…
Giá heo tiếp tục tăng