Bờ biển lấn sâu cả trăm mét
Sau mùa lũ năm 2010, khu vực giáp ranh với biển ở các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Hải Dương, Phú Thuận phải gánh chịu cảnh nước biển lấn sâu vào đất liền. Điển hình là các thôn Tân Lập, Hải Thành, Cương Giáng, An Lộc… bờ biển bị xâm thực lấn sâu vào khu dân cư với chiều rộng khoảng 25 mét, dài 2km. Ông Nguyễn Hoàng – một chủ hộ sống trong vùng sạt lở ở thôn Tân Hành, xã Quảng Công (Quảng Điền) cho biết: “Cách đây khoảng 5 năm, bờ biển cách khu dân cư trên 100 mét, nay lấn sâu và đất thổ cư của người dân. Vào mùa bão lũ, gia đình tôi đứng ngồi không yên, sợ nước biển cuốn trôi hết tài sản, nhà cửa”.
Trong lúc đó, ở khu vực thôn 2 xã Hải Dương, huyện Hương Trà, trình trạng biển xâm thực diễn ra từ nhiều năm nay, uy hiếp tính mạng 100 hộ dân đang sinh sống gần khu vực bờ biển. Chị Trần Thị Tám – một hộ dân sinh sống ở khu vực thôn 2 – kể: “Sau khi cơn đại hồng thuỷ năm 1999 đi qua đã mở ra một cửa biển mới ở thôn này, tỉnh đã đầu tư một hệ thống đê chắn sóng, nhưng chúng tôi vẫn thấy không yên tâm. Nguyện vọng bà con xin được di dời đến nơi ở mới sớm lúc nào hay lúc đó”.
Tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, bão lũ hằng năm khiến đoạn bờ biển đi qua xã này cũng bị xâm thực nghiêm trọng. Ông Huỳnh Quang Tuyến – Chủ tịch UBND xã Phú Thuận – cho biết, toàn xã có 80 hộ sống dọc bờ biển buộc di dời và tái định cư khẩn cấp. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên trong năm 2011 xã chỉ xây dựng khu tái định cư cho 40 hộ, mỗi hộ được cấp 140m2 đất và hỗ trợ 14,5 triệu đồng để làm nhà ở. Số còn lại sẽ thực hiện vào cuối năm 2011.

Nhiều hộ dân ở thôn Tân Lập, xã Quảng Công phải bỏ nhà di chuyển đến nơi ở mới do trình trạng biển xâm thực. Ảnh: Minh Ngọc
Chính sách thiếu, dân không chịu di dời
Theo số liệu của Ban Chỉ huy phòng, chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện nay số liệu các hộ dân cần phải di dời tại các vùng sạt lở do biển xâm thực là 1.140 hộ với 5.735 nhân khẩu. Việc tái định cư, chuyển đổi nghề đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chế độ chính sách của tỉnh dành cho người tái định cư ven biển.
Ngoài việc cấp đất ở, đất sản xuất, các xã sẽ hỗ trợ mỗi hộ 14,5 triệu đồng để làm nhà mới. Nhiều gia đình buộc phải phá huỷ những căn nhà có giá trị trên cả trăm triệu đồng để đến nơi ở mới, do đó có rất nhiều hộ không chấp nhận di dời với lý do người dân sinh sống ở những khu vực này chủ yếu làm ngư nghiệp, quanh năm bám biển để mưu sinh. Khi đến nơi ở mới, bà con không có công ăn việc làm ổn định.
Ông Phan Thanh Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão – cho hay, trong hai năm 2009 – 2010, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đầu tư trên 40 tỉ đồng để tổ chức tái định cư cho gần 900 hộ thuộc vùng sạt lở. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gần 1.000 hộ ở vùng sạt lở đang cần được tái định cư để ổn định cuộc sống, trong lúc đó trình trạng xâm thực đang làm cho nước biển ngày càng ăn sâu vào đất liền.
Bờ biển Thừa Thiên – Huế có tổng chiều dài 127km và diện tích vùng đầm phá khoảng 22 ngàn hécta; có 42 xã, với 61.267 hộ, trên 306.337 nhân khẩu sống ven biển và đầm phá. Trong đó, có khoảng 1.140 hộ, 5.735 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp do bão lũ và biển xâm thực. Từ sau cơn bão số 6 và các đợt bão lũ liên tiếp năm 2007 đến nay, tình hình xâm thực bờ biển diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, với tổng chiều dài 7,8km. |
Theo Minh Ngọc / Lao Động