* Dòng sông lại xanh
Đưa chúng tôi đi khảo sát trên sông Thị Vải, anh Thiện, chủ ghe máy liên tục chỉ cho tôi những đầm nuôi thủy sản từ nguồn thiên nhiên nằm vắt vẻo trong những rặng cây đước. Trời tháng 5 nắng nóng, trên cao mây vần vũ, phía dưới rừng đước ngút ngàn, sừng sững in bóng dưới dòng sông xanh biếc. Chẳng biết ở tầng sâu phía đáy có còn lắng đọng những tạp chất hủy hoại môi trường hay không, nhưng nhìn nước sông đã dần thay đổi, nông dân ai cũng vui. Thiện bảo, dạo con sông bị ô nhiễm, ngay cây đước cũng trở nên cằn cỗi, không thể phát triển được. Tôm, cá trên sông Thị Vải ngày trước nhiều vô kể, song chỉ trong thời gian ngắn khi dòng nước đổi sang màu đen thì tôm, cá cũng biến mất. Đứng trước dòng sông chết, cư dân gắn bó cả cuộc đời với vùng sông nước này đành ngậm ngùi bỏ nghề đánh bắt để tìm việc khác mưu sinh. Năm ngoái, khi nước sông đã được cải thiện, nhiều người liền quay lại với nghiệp cũ như một duyên nợ.
Những người hiện đang sinh sống bằng nghề lưới cá, tôm trên sông Thị Vải mà chúng tôi đã gặp cho rằng, gần đây nhiều loài thủy sản đã tìm về với dòng sông này. Dù chưa thực sự trong lành như xưa, nhưng mỗi ngày lênh đênh đánh bắt trên sông, ít cũng được năm bảy ký tôm cá, hôm triều cường thuận lợi, có khi trúng đậm lên đến hàng chục ký, đủ để sống trong thời buổi khó khăn này. Một lão nông sinh sống bên dòng sông gần hết cuộc đời, bộc bạch: “Nghề sông nước cực nhưng sống được. Bởi thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Thị Vải nguồn tôm, cá dồi dào. Chính vì vậy, nếu ai thủy chung với dòng sông chắc chắn sẽ được hưởng lộc!”.
Ông Đặng Bá Thực, Giám đốc Cảng Gò Dầu A, cho biết sông Thị Vải dài hơn 76km, bắt nguồn từ huyện Long Thành, qua Nhơn Trạch, đến huyện Tân Thành rồi đổ ra cửa biển Cần Giờ trong vịnh Gành Rái (Bà Rịa – Vũng Tàu). Tuy không cung cấp nước, nhưng con sông này mang một ý nghĩa rất quan trọng về mặt sinh thái và môi trường. Ngày trước, thời dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, cán bộ công nhân viên cảng rất khốn khổ khi hàng ngày phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ sông. Nhưng hôm nay vùng “nước ô nhiễm ấy” đã lấy lại đáng kể sức sống vốn có của một dòng sông thơ mộng. Mỗi ngày, tàu ra vào cảng để bốc dỡ, vận chuyển hàng, nhiều khi phải “né” các ghe, đò đánh bắt trên sông.
* Mừng nhưng chưa hết lo
Anh Đặng Thanh Lâm, 31 tuổi, ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An (Nhơn Trạch), người từng được giải thưởng Lương Đình Của do Trung ương Đoàn trao tặng dành cho nông dân sản xuất giỏi, không giấu được niềm vui khi nghe tôi hỏi về vụ tôm của gia đình anh vừa thu hoạch giữa tháng 5 này. Chỉ với 1,7 hécta ao tôm nuôi từ tháng đầu tháng 3 vừa qua cho thu hoạch 4,2 tấn, lãi hơn 100 triệu đồng. Theo anh Lâm, mặc dù có 12 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm, nhưng năm nay thời tiết không thuận lợi lắm nên vụ tôm anh nuôi trễ gần 1 tháng, nếu không sẽ còn lãi nhiều hơn. Nói về dòng nước sông Thị Vải khi lấy vào nuôi tôm, anh Lâm thổ lộ, dù nước có trong xanh nhưng vẫn phải biết cách xử lý thì tôm nuôi mới có thể thích nghi sống được với môi trường.
Chủ tịch UBND xã Phước An Dương Văn Pháp cho biết, toàn xã có 1.270 hécta nuôi trồng thủy sản. Trong đó gồm 160 hécta nuôi tôm công nghiệp, số còn lại nuôi theo kiểu quảng canh (lấy nước sông có cá thiên nhiên đưa vào ao, đầm để tự chúng lớn) hoặc bán thâm canh (nuôi chung với cá thiên nhiên và cá thả). Thời gian qua, nhiều nông dân ở Phước An khá giả trong việc nuôi tôm sú, song cũng không ít trường hợp thua lỗ nặng. Nguyên nhân chủ yếu là thời tiết, kinh nghiệm và con giống. Trên thị trường hiện có nhiều loại tôm bột khó xác định xuất xứ của cha mẹ. Do đó, nhiều người ham rẻ mua phải con giống thế hệ F4, F5 nên tôm yếu, không phát triển và thời gian nuôi kéo dài 4-5 tháng. Nuôi tôm sú có tỷ lệ rủi ro cao nên phần đông người dân Phước An chuyển sang nuôi quảng canh. Cách làm này nông dân không cần đầu tư nhiều, nhưng sau 4 tháng cho thu hoạch, lãi chỉ ở mức 5-10 triệu đồng/hécta.
Nhằm bảo vệ môi trường sông Thị Vải nói riêng và hệ thống sông Đồng Nai nói chung, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2020” với tổng kinh phí lên đến 1.938 tỷ đồng. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, phải xử lý triệt để trên 95% cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng và ngăn chặn có hiệu quả mức độ gia tăng ô nhiễm tại các địa bàn. Ít nhất 70% khu đô thị và 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường… |
Tương tự, Long Thọ là xã có 223 hộ sống bằng nghề nuôi tôm, cá với trên 495 ngàn m2 nuôi tôm công nghiệp; hơn 383 ngàn m2 áp dụng bán thâm canh và gần 90 ngàn m2 làm quảng canh. Đánh giá về cuộc sống của người dân liên quan đến thủy sản, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thọ Lưu Văn Nghề cho rằng nước sông Thị Vải đang hồi sinh là điều thấy rõ, song việc nuôi trồng còn đó những khó khăn nhất định. Ngoài một số hộ nuôi tôm hiệu quả như gia đình ông Ngô Ngọc Thành, ông Hùng Tư Bo… thì ngược lại, nhiều trường hợp thất bại, có lẽ một phần là do chất lượng môi trường nước chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Ông Nghề trầm ngâm phân tích, nước sông Thị Vải hồi phục là điều đáng mừng, nhưng không phải nông dân đã hết lo. Cư dân sông nước vốn cần cù, khát khao làm giàu, song nhiều trường hợp vẫn chưa thể với tới.
Tạ Nguyên/Báo Đồng Nai