“Mong manh” những chuyến đò dây ở Thủ đô

Ba bến đò với những con đò được làm thô sơ, không mái chèo, không máy móc; chỉ với một sợi dây nối ngang sông và kéo tay… hàng ngày đò vẫn đưa người dân qua sông. Tính mạng của những người dân đang “mong manh” trên những chuyến đò.

Có lẽ ít ai nghĩ rằng ở Hà Nội lại có một kiểu giao thông “độc nhất vô nhị” như thế.

Kéo đò – nghề truyền đời

Những chuyến đò thân thuộc đối với người dân xã Mỹ Hưng.
Những chuyến đò thân thuộc đối với người dân xã Mỹ Hưng.

Khi chúng tôi đặt chân tới xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội (cách trung tâm Thủ đô chừng 12km), hỏi về bến đò, một người dân hồ hởi: “Ở đây có 3 bến đò: Quang Minh, Đan Thầm, Thạch Nham, anh cứ đi dọc bờ sông là thấy, vì có muốn đi qua cầu thì cũng phải mất gần chục km mới có cầu, đi đò dây là “thương hiệu” của xã này đấy”.

Xuống đò!
Xuống đò!

Đến bến đò của ông Nguyễn Mạnh Đại, từ phía bên kia sông, một người đàn ông nhỏ thó đang loay hoay bắc cầu cho xe máy và người lên đò. Chỉ trong chốc lát, trên con thuyền, chiếc xe máy cùng một số người khách đã ra tới giữa sông. Chủ đò gồng mình, tay bám chắc dây đu, thoáng chốc con đò lại chòng chành trên mặt nước đen ngòm.

“Mong manh” giữa dòng sông “đen”.
“Mong manh” giữa dòng sông “đen”.

Mồ hôi nhễ nhại, dưới cái nắng như “chảo lửa”, ông Đại cho biết: “Ở thôn Quảng Minh này, chỉ có đò của gia đình tôi chở khách là duy nhất. Từ đời cha tôi đã làm nghề chở đò, khoảng những năm 1965. Còn tôi cũng đã gần 30 năm chở đò trên con sông Nhuệ này. Vất vả vẫn thấy vui, dù thu nhập chả được là bao, mỗi chuyến chỉ lấy 1.000 – 2.000đ, nhiều khi miễn phí, chủ yếu mình phục vụ cho bà con trong xã”.

Vất vả rời đò dây.
Vất vả rời đò dây.

Theo ông Đại thì trước đây, đò làm thủ công bằng tre, gỗ. Năm 1999 gia đình ông đã làm lại con đò, đổ bằng bê tông (chi phí khoảng 5 triệu đồng). “Nếu chở tối đa cũng được 5 chiếc xe máy cùng hàng chục người. Nhiều lúc nước lên, sông rộng mênh mông, mình thì quen nhưng nếu khách lạ họ vẫn sợ”- ông Đại chia sẻ.

Tại bến đò thuộc thôn Đan Thầm, xã Mỹ Hưng, chị Bình (chủ đò) thổ lộ: “Cái nghề này mệt nhọc lắm chú ạ! Nắng mưa, đêm ngày, có khách gọi là chở. Quả thực đã có những lúc nước sông chảy xiết, cả người kéo đò lẫn khách cùng xe máy rơi tùm xuống sông, phải gọi um lên để cứu người và xe, may mà không ai bị chết đuối …”.

Mong mỏi về cây cầu…

Đi trên con đò chòng chành, chị Nguyễn Thị Lài (ở Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Các chú đi lần đầu thì hãi chứ tôi ngày nào đi chợ bán thịt cũng qua đây, mấy  năm nay đi bán thịt rong, qua đò là chính chứ đi qua cầu thì phải đi thêm gần chục km, đạp xe mất hàng tiếng đồng hồ sang làng bên, lúc ấy người cũng lả chứ còn sức đâu mà rao bán hàng”.

Chủ đò cùng người dân luôn mong mỏi về một cây cầu bắc qua sông.
Chủ đò cùng người dân luôn mong mỏi về một cây cầu bắc qua sông.

Khi PV đặt câu hỏi: Chỉ một sợi dây kéo ngang sông trong khi đó tính mạng của người và tài sản trên con đò liệu có an toàn? Chị Bình (chủ đò thôn Đan Thầm) thẳng thắn nói: “Sông nước thì ắt là có nguy hiểm nhưng chẳng còn cách nào khác, đò dây vừa tiết kiệm thời gian lại vừa rẻ. Hơn 20 năm gắn bó với đò dây này rồi, tôi và người dân cũng luôn mong mỏi có một cây cầu nhưng có lẽ niềm mong mỏi ấy hãy… còn xa”.

Anh Phan Văn Hưng, ở xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì bộc bạch: Hơn 6 năm qua, hết đứa lớn lại đến đứa bé, ngày nào tôi cũng đưa cháu sang gửi bên nhà ngoại ở thôn Quảng Minh. Đi lâu thành quen nhưng mỗi lần nước lên đưa con qua sông vẫn thấy rùng mình. Giá mà có cây cầu, người dân đi lại vừa thuận tiện lại an toàn”.

“Người dân còn nhu cầu qua sông thì tôi hãy còn kéo đò. Tôi cũng tin rằng đời con, đời cháu mình sẽ được đi trên cây cầu, chứ ai đời trong thời đại này rồi ở  Hà Nội mà lại phải đu dây vượt sông mãi. Tôi cũng chỉ mong mình sớm “thất nghiệp’…” – chủ đò Nguyễn Mạnh Đại chia sẻ.

Cũng theo người dân địa phương, thành phố đã đồng ý cho xây dựng cầu dân sinh. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay người dân vẫn ngày ngày  phải tiếp tục đi trên những chuyến đò dây đầy nguy hiểm. “Mùa mưa sắp tới, mùa nước lên tính mạng của những người dân nơi đây vẫn “mong manh” trên những chuyến đò dây ” – bà Nguyễn Thị Hoài, ở thôn Đan Thầm buồn bã nói.

Theo  Đạt Lê – Linh Chang

About nongdan24g

Nông dân 24giờ mỗi ngày cùng lao động tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, những hạt lúa thơm ngon, thực phẩm giàu dinh dưỡng ... và giàu lên nhờ nông nghiệp. Hãy ghé mỗi ngày tại www.nongdan24g.com để có tin nông nghiệp sản xuất mới nhất.
Bài này đã được đăng trong Nông dân 24G và được gắn thẻ , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này