Ngày 31.12.2010, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định số 2092/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng cấp tỉnh xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010 (viết tắt Hội đồng tỉnh).
Hội đồng gồm 12 thành viên do ông Lê Quang Thích – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – làm chủ tịch. Tuy nhiên, quá trình làm việc của hội đồng có nhiều điều vi phạm thông tư 14/2010/TT-BKHCN.
“Ăn theo”?
Ngày 19.1.2011, Hội đồng tỉnh đã tổ chức họp xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình “Nghiên cứu khảo sát lập dự án chọn địa điểm cảng biển nước sâu và Khu công nghiệp Dung Quất – tỉnh Quảng Ngãi” của nhóm tác giả thuộc Phân viện Vật lý tại TPHCM, gồm: Tiến sĩ Trương Đình Hiển (chủ nhiệm công trình), kỹ sư Bùi Quốc Nghĩa và kỹ sư Trần Văn Sâm. Đây là một công trình có ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển Khu kinh tế Dung Quất ngày nay. Ngày 13.5.1996, công trình đã được Trung tâm Thông tin – tư liệu KH&CN quốc gia thuộc Bộ KHCNMT chứng nhận đăng ký kết quả.
Vắng mặt 3 người, còn lại 9/9 thành viên có mặt trong cuộc họp trên đều thống nhất kiến nghị Hội đồng quốc gia xem xét và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình trên. Sự việc nếu chỉ dừng lại ở đây thì đã không có gì phải nói. Đằng này, Hội đồng tỉnh đã tuỳ tiện “ban công” cho một số người không phải là tác giả và đồng tác giả công trình.
Cụ thể, trong “biên bản xét Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2010” ngày 19.1, ở phần “kết luận của hội đồng” đã ghi: “Cùng tham gia nghiên cứu công trình với các nhà khoa học nêu trên thuộc Phân viện Vật lý tại TPHCM, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 1077 ngày 29.7.1993 thành lập ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu các dữ kiện ban đầu về cảng nước sâu vũng Dung Quất”. Từ đây, Hội đồng tỉnh đã đề nghị Hội đồng quốc gia “xem xét trình cấp có thẩm quyền tặng giải thưởng về KH&CN” cho các ông: Kỹ sư Phạm Hữu Tôn, kỹ sư Cao Xuân Thuỷ, kỹ sư Trần Kim Môn, tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu, kỹ sư Nguyễn Đức Hoài”.
Sự thật hiển nhiên là 5 vị trên không hề “cùng tham gia nghiên cứu công trình với các nhà khoa học nêu trên thuộc Phân viện Vật lý tại TPHCM”. Trong quyết định thành lập hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học” ngày 4.7.1994 của Sở KHCNMT tỉnh Quảng Ngãi do chính ông Trần Kim Môn ký cũng cho thấy, 5 vị trên là những người trong hội đồng nghiệm thu: Ông Phạm Hữu Tôn – đương kim Phó Chủ tịch UBND tỉnh, làm chủ tịch hội đồng. Các ông còn lại là uỷ viên: Ông Cao Xuân Thuỷ – GĐ Sở GTVT; ông Trần Kim Môn – GĐ Sở KHCNMT; ông Nguyễn Kim Hiệu – Chủ nhiệm UBKH tỉnh, sau này là Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Đức Hoài – Trưởng phòng Quản lý KHCN của Sở KHCNMT, hiện đang là Phó GĐ Sở Công Thương.
Vi phạm
Điều 2, khoản 4 thông tư 14 đã giải thích rất rõ: “Tác giả công trình là người bằng lao động của mình trực tiếp sáng tạo ra công trình. Đồng tác giả công trình là hai người hoặc nhiều người bằng lao động của mình cùng trực tiếp sáng tạo ra công trình”. Việc đề nghị xét thưởng cho những người không phải là tác giả công trình, đã là sai nguyên tắc làm việc. Hơn nữa, điểm C, khoản 4, điều 11 cũng thuộc thông tư trên đã quy định: “Hội đồng giải thưởng cấp trên chỉ xem xét những công trình đã được hội đồng giải thưởng cấp dưới đề nghị”.
Theo đó, công trình “Nghiên cứu khảo sát lập dự án chọn địa điểm cảng biển nước sâu và Khu công nghiệp Dung Quất – tỉnh Quảng Ngãi” với nhóm tác giả được hội đồng xét thưởng cấp cơ sở tại Viện Vật lý TPHCM (trước đây là Phân viện Vật lý tại TPHCM) đề nghị lên không hề có tên 5 vị trên.
Trường hợp nếu 5 vị trên có công trình và tỉnh muốn xét thưởng thì phải thực hiện thủ tục từ đầu qua các bước chặt chẽ theo đúng quy định của thông tư 14, chứ không được nhân đà cho “ăn theo” công trình nổi tiếng của nhóm nhà khoa học thuộc Phân viện Vật lý tại TPHCM.
Trong biên bản họp Hội đồng tỉnh ngày 19.1.2011, 3 thành viên vắng mặt và 6 vị khách mời đều được liệt kê họ tên rõ ràng, nhưng những thành viên có mặt (gồm cả 4 vị nằm trong danh sách 5 người được đề nghị lên hội đồng cấp trên là Phạm Hữu Tôn, Trần Kim Môn, Nguyễn Kim Hiệu, Nguyễn Đức Hoài) thì không được liệt kê. Đây là một xảo thuật nhằm khoả lấp sự vi phạm. Điểm d, khoản 4, điều 11, thông tư 14 đã nêu rất rõ: “Thành viên của hội đồng giải thưởng không tham dự xét thưởng (không tham gia thảo luận và không bỏ phiếu đánh giá) các công trình mà mình là tác giả, đồng tác giả…”.
Dù 4 vị trên không phải là tác giả và đồng tác giả công trình, nhưng việc đã nằm trong hội đồng xét giải (theo Quyết định số 2092/QĐ-UBND) mà còn đề nghị xét giải cho mình lên cấp trên, thì rõ ràng đã vi phạm.
Theo Thẩm Hồng Thụy/Lao Động