Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay toàn xã Dương Hoà, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có trên 200 con trâu chết chưa rõ nguyên nhân, tập trung nhiều nhất ở thôn Hạ, thôn Buồng Tằm.
Do số lượng trâu, nghé chết nhiều trong rừng, nên việc khiêng trâu ra để chôn cất, đảm bảo vệ sinh môi trường vùng thả nuôi hết sức khó khăn.
Nhiều người dân đã mổ trâu để tìm hiểu lý do trâu bệnh chết hàng loạt. Qua đó, phát hiện hiện tượng chưa từng có: Từ phần lá lách, lòng, phổi của một số trâu chết đông cứng như nước đá; một số khác chân bị nổi những hạt đỏ, lở mồm, khiến trâu không thể đi ăn, rồi lăn ra chết. Đến nay, vẫn chưa có cơ quan chức năng xác định bệnh gây chết ở trâu tại đây.
Anh Bùi Ngọc Thảo ở xóm Hạ đang điều trị cho 2 con trâu bị bệnh lạ của nhà mình. Ảnh: Minh Ngọc |
Dựa vào kinh nghiệm, nhiều gia đình đã tự chế nước phèn chua pha trộn dầu nóng Trường Sơn để chữa trị đốm đỏ trên chân và đùi của trâu, nhưng vẫn chưa thể điều trị hết bệnh. Một số bà con khác còn thuê riêng bác sĩ thú y đến nhà trực tiếp tiêm phòng, điều trị cho đàn trâu nhà. Tuy nhiên, việc điều trị này có tính chất tạm thời, chỉ cứu những con trâu đã được dắt ra khỏi bìa rừng, đem về nhà chăm sóc. Còn đối với những đàn trâu nhiễm bệnh lạ, đang thả rông trong rừng, nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Ông Phan Hoa – Thú y trưởng xã Dương Hoà – cho biết: “Đến nay vẫn chưa có hỗ trợ nào cho nông dân bị trâu chết hàng loạt. Để chữa trị cho trâu bệnh, trước mắt mỗi ngày chúng tôi tiêm 2 mũi Desadonl và Penicilcline nếu gia đình nào có nhu cầu cần chữa trị. Mỗi lần chích thuốc như vậy, gia đình phải trả cho chúng tôi từ 40 đến 100 ngàn, tuỳ số lần chích và trâu nhỏ hay to, vì thuốc điều trị hoàn toàn do chúng tôi phải bỏ tiền túi để mua”.
Theo Minh Ngọc/Lao Động