Khám sức khoẻ là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo người lao động đủ thể lực đi học, đi làm nhưng yếu tố này hoàn toàn bị phớt lờ khi mà việc mua, bán giấy khám sức khoẻ diễn ra công khai, thoải mái.
Từ phòng khám tư
![]() |
Giấy khám sức khỏe khống vẫn được bán tại một số bệnh viện. (Ảnh minh họa).
|
Ngày 4.4, chúng tôi có mặt ở phòng khám gia đình số 50C Hàng Bài (Hà Nội). Trong vai một người đi khám sức khỏe để kiếm việc làm, chúng tôi tiếp cận phòng khám. Tiếp tôi là một y tá trung tuổi không đeo biển tên. Khi tôi trình bày ý định khám sức khỏe của mình, nữ y tá cho biết, nếu khám thì vào làm thủ tục.
Sau một hồi thăm dò, chị ta rỉ tai tôi: “Nếu muốn khám cũng được, mà muốn có giấy luôn không cần khám cũng được”. Sau đó, mức giá nữ y tá này đưa ra để mời chào tôi là 45.000 đồng/tờ, 75.000 đồng cho 2 tờ giấy khám sức khỏe.
Tỏ vẻ ngần ngừ, tôi đồng ý và yêu cầu được làm giấy khám sức khỏe cho cả bạn gái nữa nhưng bạn gái bận không đến được. Nữ y tá này đồng ý.
Tại phòng khám, một nữ bác sĩ, tóc muối tiêu tiếp tôi. Sau phần trình bày hoàn cảnh, vị bác sĩ này nói: “Cháu thì được, nhưng làm cho bạn gái nữa e hơi khó. Bạn cháu đến khám nữa chứ không nhỡ người ta biết thì rắc rối to”.
Tôi bịa ra lý do vắng mặt của bạn gái, vị bác sĩ chậc lưỡi: “Thôi được rồi! Đưa ảnh đây”. Sau khoảng 1 phút dán ảnh vào giấy khám sức khoẻ, vị bác sĩ này chuyển lại cho cô y tá ban đầu mang đi. Khi trong phòng còn lại hai người, vị bác sĩ nói: “Bình thường thì 45.000 đồng/tờ nhưng trường hợp của cháu thì cho các cô xin thêm 50.000 đồng gọi là bồi dưỡng tí ti”. Để tránh nghi ngờ tôi đưa luôn tiền cho vị bác sĩ này.
Đúng 5 phút, nữ y tá kia quay trở lại với 2 tờ giấy khám sức khoẻ còn chưa khô mực, nhưng phần lý lịch của người khám sức khoẻ và chữ ký vẫn còn để trống. Rất nhanh chóng, vị bác sĩ này cuộn 2 tờ giấy vào trong 1 tờ báo đưa lại cho tôi và không quên dặn phải cất cẩn thận không các bệnh nhân khác biết được lại thắc mắc.
Cho đến bệnh viện
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, giấy khám sức khỏe được chia thành hai loại là dấu tròn và dấu vuông. Dấu tròn dùng để xin đi lao động nước ngoài, học bằng lái xe… Còn dấu vuông để xin việc bình thường. Chính vì vậy, nếu có nhu cầu làm giấy khám sức khoẻ có dấu tròn, bắt buộc người xin giấy sức khoẻ phải đến các bệnh viện. Có lẽ chính vì thế mà ở các bệnh viện, việc mua bán giấy khám sức khoẻ cũng diễn ra rất công khai.
Tại cổng Bệnh viện Xanh Pôn (cổng đường Lê Hồng Phong, Hà Nội), sau khi nghe tôi trình bày, chị bán nước giới thiệu cho tôi một người tên N, nhân viên bảo vệ. Vào bệnh viện, sau một hồi dò hỏi tôi tìm được người đàn ông tên N.
Sau đôi câu xã giao, như đã quá quen thuộc anh này nói: “Xin giấy khám sức khoẻ chứ gì, 150.000 đồng/giấy, 10 phút lấy luôn”. Khi nghe tôi trình bày là xin cho cô bạn gái, anh này nói thêm: “Em bảo bạn đến khám, chỉ khám qua loa thôi. Còn nếu bạn bận không đến khám được thì em nhờ 1 bạn gái nào đó cùng độ tuổi đến đây khám hộ cũng được”. Lấy lý do về gọi bạn tôi xin phép chiều quay lại để đánh bài chuồn, anh này ới theo: “Chiều qua gọi anh, số điện thoại của anh là 0912514…
Tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện 354, Tổng cục Hậu cần, việc mua bán giấy khám sức khoẻ còn diễn ra công khai hơn. Theo sự chỉ dẫn của những người bán nước ở cổng khoa khám bệnh, chúng tôi đi vào cửa số 2 của phòng khám. Người trực tên là Hà ra giá luôn: “60.000 đồng/tờ. 15 phút sau lấy”.
Chỉ chờ cái gật đầu của tôi, chị Hà nhanh chóng lấy giấy bút ra ghi tên tuổi, địa chỉ, ngày sinh, cân nặng, chiều cao… Và đúng 15 phút sau một tờ giấy khám sức khoẻ có dấu vuông của khoa Khám bệnh, Bệnh viện 354 có kết luận “Đủ sức khỏe học tập và công tác” đã ra đời.
Theo Công Trình – Xuân Hạnh/ Dân Việt