Tháng 5.2010, thông qua BCĐ dự án bảo tồn và phát triển tại các trọng điểm khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, ICF gửi tờ trình và được UBND tỉnh chấp thuận về chủ trương cho thành lập “Khu bảo tồn thiên nhiên Phú Mỹ” với mục tiêu vừa duy trì số lượng sếu vừa xây dựng mô hình kết hợp bảo vệ sinh thái đồng cỏ bàng tự nhiên duy nhất của ĐBSCL với việc duy trì làng nghề truyền thống độc đáo của địa phương.
Tuy nhiên, niềm hy vọng ấy đã nhanh chóng tan biến và khả năng Kiên Giang mất vĩnh viễn chim sếu trở nên lớn hơn bao giờ hết.
“Xơi” cả mới lẫn cũ
Theo công văn 1380/VP-KTCN ngày 17.5.2010 truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Phú Mỹ có tổng diện tích 3.270ha được hình thành trên cơ sở khu đất dự án 2.800ha (xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành), khu Hàng Bùn 120ha (phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên) và khu Lung Lớn 350ha (xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương). Cũng tại công văn này, Phó Chủ tịch Trần Thanh Nam giao Sở KHCN phối hợp cùng Sở TNMT và các sở ngành, địa phương xây dựng đề án, lên dự toán kinh phí.
Và chính những “cột khói chọc trời” này của Nhà máy ximăng Holcim đã góp phần đẩy đuổi sếu sớm ra khỏi khu vực Hòn Chông. Ảnh: Thanh Nhã |
Tuy nhiên, đến ngày 10.12.2010, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương lại ký giấy chứng nhận đầu tư số 56121000756 cho Cty TNHH sản xuất kinh doanh đá grannite (Cần Thơ) đầu tư dự án nuôi tôm công nghiệp quy mô 324ha “trùm” lên phần đất của Khu bảo tồn Hàng Bùn.
Ngay sau đó, UBND thị xã Hà Tiên và phường Đông Hồ đã tiến hành các thủ tục nhằm giúp doanh nghiệp hoàn thành việc thu hồi đất. Đáng nói là sự việc chỉ được BQL dự án biết trong lần tình cờ cùng PV Báo Lao Động đi thực tế vào đầu tháng 3.2011. Sau sự cố này, dự án tiến hành kiểm tra Khu bảo tồn Lung Lớn và tiếp tục phát hiện doanh nghiệp khai thác than bùn đã đưa cơ giới vào đào kênh cắt ngang thửa đất.
Không chỉ có vùng đất mới mà ngay cả khu dự án được UBND tỉnh Kiên Giang “cấp phép hoạt động” từ 2004 tại xã Phú Mỹ cũng đang “nguy kịch”. Sau nhiều năm liên tục đưa cơ giới vào cày xới, đào mương, đắp đê ngay bãi ăn của sếu, mới đây một số người dân ở xã Phú Mỹ còn đứng ra cản trở lực lượng dự án thực hiện việc cắm ranh xác định vị trí khu bảo tồn…
Theo giải thích của Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Lê Văn Mong, nguyên nhân chủ yếu là do một số hộ dân còn “lấn cấn” về quyền lợi trong công tác thu hồi đất, hỗ trợ di dời. Đáng nói hơn là đã nhiều tháng trôi qua, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa hóa giải được mâu thuẫn nên mãi đến nay việc xác định đất cho sếu tại Phú Mỹ vẫn chưa thể khởi động lại…
Mất sếu, không chỉ mất loài chim
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc UBND tỉnh Kiên Giang giao đất cho Cty Tài Phong thực hiện dự án nuôi tôm công nghiệp (trùm lên khu Vàm Hàng) được khởi động trước thời điểm chấp thuận về chủ trương thành lập “Khu bảo tồn thiên nhiên Phú Mỹ” gần 1 tháng (công văn số 282/D – UBND, ngày 20.4.2010). Như vậy xét ở khía cạnh pháp lý, dự án sếu đã thua trắng tay trước dự án tôm. Điều này cũng đồng nghĩa ngôi nhà mới của sếu trên đất Kiên Giang sẽ tiếp tục mất, ngoại trừ có phép màu.
Mất đất sống, sếu sẽ không còn nơi để quay về… Và khi đó dù có chi cả núi tiền vẫn khó hồi phục lại được mà bài học từ đất nước Thái Lan là minh chứng. Theo TS Trần Triết (ICF), do đàn sếu chỉ còn khoảng 800 cá thể, lại hội tụ cùng lúc nhiều yếu tố “bất lợi”: Sinh sản thấp, chỉ sống trên vùng đất ngập nước tự nhiên nên sếu rất cần được bảo vệ tránh khỏi thảm họa tuyệt chủng phạm vi toàn cầu.
“Mất sếu không chỉ đơn giản là mất đi một loài chim quý có giá trị thẩm mỹ cao, có vị trí rất đặc biệt trong đời sống tinh thần, tâm linh, mà còn bởi sếu được xem như một chỉ báo cho chất lượng môi trường” – TS Triết nhấn mạnh: “Vì vậy, giữ được sếu không chỉ giữ được cả hệ sinh thái đất ngập nước, mà còn dự trữ được cơ sở thiên nhiên để sau này con cháu chúng ta có cơ hội tìm hiểu được nhiều điều mà hiện nay chúng ta chưa biết hết”.
Theo Lục Tùng/Báo Lao Động