Ba mục tiêu cốt yếu xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam (*)

Tại phiên họp chiều 14-1, đồng chí Nguyễn Quốc Cường – Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội NDVN đã trình bày tham luận với chủ đề “Một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH – HĐH đất nước”.

Báo NTNN và báo điện tử Dân Việt trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đồng chí Nguyễn Quốc Cường trình bày tham luận tại Đại hội.

Giai cấp nông dân Việt Nam có vị trí, vai trò, có bề dày truyền thống, có đóng góp xứng đáng trong lịch sử dựng nước, giữ nước, trong đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” Đảng ta nêu quan điểm: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ gìn ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước…”.

Trong nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết cũng đã nêu: “Chăm lo xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, củng cố liên minh công nhân – nông dân – trí thức trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước”.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, giai cấp nông dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, bền chí vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện sự nghiệp đổi mới bằng hành động của chính mình, góp nên thành tựu to lớn, toàn diện. Nông nghiệp phát triển với tốc độ ổn định, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tiếp tục giữ ngôi thứ cao về xuất khẩu gạo, cà phê và một số hàng hóa nông sản khác trên thế giới; Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả to lớn…

Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua, ở nước ta, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn luôn là nhân tố tạo sự bình ổn cho nền kinh tế đất nước. Theo đánh giá chung của thế giới, nước ta xét về năng lực cạnh tranh, về môi trường kinh doanh… đều ở thứ hạng tương đối thấp.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến quan trọng về thu hút đầu tư quốc tế. Và kinh tế nước ta vẫn vượt qua khó khăn, thử thách do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, bảo đảm được sự ổn định và nhanh chóng trở lại xu thế phát triển với tốc độ khá do sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của Đảng, Nhà nước nhưng cũng có phần do có chỗ dựa vững chắc đó là sự ổn định của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bên cạnh đó, những tiến bộ rõ nét về xóa đói, giảm nghèo, về giải quyết việc làm, thực hiện dân chủ, mở rộng an ninh xã hội… tiếp tục tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định.

Và đây là kết quả trực tiếp của đường lối phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn do Đảng ta lãnh đạo và giai cấp nông dân là lực lượng trực tiếp thực hiện.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường (phải) thăm một mô hình doanh nghiệp nông dân tại TP.HCM.

Qua hơn 4 năm tham gia hội nhập kinh tế thế giới, xét ở khía cạnh lao động và nông nghiệp thì sức mạnh của người dân nông thôn Việt Nam có thể là một hiện tượng nổi bật, mặc dù đóng góp của nông nghiệp trong GDP của đất nước chỉ dao động ở mức 20% và đóng góp cho xuất khẩu khoảng 23%, nhưng hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp thể hiện bằng chỉ số hiệu quả đồng vốn cao hơn hẳn so với các ngành khác và xuất khẩu nông sản là một trong rất ít ngành kinh tế xuất siêu trong thương mại.

Chúng ta rất tự hào về các mặt hàng nông sản xuất khẩu: Hạt tiêu, hạt điều đứng thứ nhất, gạo, cà phê đứng thứ hai, cao su đứng thứ ba trên thế giới. Rõ ràng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam do nông dân Việt Nam làm ra đã góp phần nâng cao vị thế quốc gia nước ta trên trường quốc tế về mặt kinh tế.

Từ lý luận và thực tiễn, trong dự thảo Chiến lược kinh tế – xã hội 10 năm (2011-2020) tại Đại hội XI này Đảng ta tiếp tục xác định: “Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với từng loại cây, con. Khuyến khích tập trung ruộng đất; phát triển gia trại, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng…”.

Sự khẳng định này thể hiện sự nhất quán về tư duy và hành động của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới, trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp, trong xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh và trong xây dựng nông thôn mới theo định hướng XHCN.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức nặng nề, đó là: Nhìn chung nông dân thu nhập còn thấp, mức sống chưa cao, sản xuất nông nghiệp còn quá manh mún, sản xuất nhỏ vẫn là chủ yếu, môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, tư duy kinh tế gắn sản xuất với thị trường của người dân còn thiếu hệ thống và chiều sâu; phong cách, kỷ luật lao động còn tùy tiện, chạy theo lợi nhuận trước mắt, ít quan tâm đến thương hiệu hàng hóa nông sản ổn định, đồng nhất, rõ ràng về xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, nông dân cũng gặp những thách thức, khó khăn khác trong cơ chế thị trường, đó là: Những bạn đồng hành vốn có của giai cấp nông dân đang có những biến động: Các doanh nghiệp nhà nước chuyển nhanh sang cổ phần hóa, hướng về mục tiêu lợi nhuận; các tổ chức sự nghiệp cung cấp dịch vụ công của nhà nước cũng chuyển sang xã hội hóa, tự chủ về tài chính; các tổ chức viện trợ nhân đạo quốc tế chuyển sang đối tác kinh doanh; người tiêu dùng chuyển thị hiếu về sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…

Trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng rộng, đã có những luật chơi không công bằng của hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ và được trợ cấp dồi dào ở các quốc gia phát triển đang cạnh tranh gay gắt với nông nghiệp, nông dân và kinh tế nông thôn Việt Nam. Những khó khăn đó diễn ra ngay trong quá trình xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam để thực hiện CNH-HĐH đất nước; thêm vào đó là ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, bất ổn của thị trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, những rủi ro trong đời sống, sản xuất…

Người nông dân cũng tự nhận thức được rằng: Cách duy nhất để đứng vững trong cơ chế thị trường và làm giàu cho gia đình, cho quê hưowng, đất nước là phải thực hiện thắng lợi CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Nông dân xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội thu hoạch cà chua vụ đông.

“Để xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh cần phải đạt cho được ba mục tiêu cốt yếu: Một là: Nông dân phải trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Hai là: Nông dân phải là lực lượng chính trị – xã hội vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ba là: Nông dân là lực lượng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nông thôn.

Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH – HĐH không phải là vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo cho được sự biến đổi về chất lượng chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; là nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương hợp tác lao động; thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng là đối tượng chính được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp CNH- HĐH và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Do vậy, chúng tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam đến năm 2020 và trước mắt là thời kỳ 2011 – 2015 như sau:

Một là, huy động các nguồn lực để giúp nông dân phát triển kinh tế theo hướng: Thoát khỏi đói, nghèo chuyển sang no đủ và làm giàu. Trước hết phải tập trung cho công tác quy hoạch nông thôn, quy hoạch các vùng sản xuất. Có quy hoạch phù hợp mới có cơ sở để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện đại theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tạo thuận lợi cho phân công lao động theo cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; khắc phục sự manh mún trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có khối lượng, chất lượng sản phẩm cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu để giải phóng triệt để sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu.

Hai là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức cho người nông dân về: kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập. Trong đó, trọng tâm là chuyển giao khoa học – kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; trước mắt cần làm thí điểm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tại các vùng chuyên canh lớn, có thế mạnh.

Ba là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nông dân tại địa bàn dân cư về đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về lao động và việc làm, về thị trường và giá cả, về văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật và kinh tế hội nhập… Coi trọng công tác tuyên truyền miệng, theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, tăng cường đối thoại để tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nông dân.

Tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào nông dân thi đua yêu nước; trọng tâm là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu; phong trào xây dựng nông thôn mới; phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để hình thành tiêu chuẩn người nông dân mới, đó là: Yêu nước, yêu chế độ, đoàn kết sáng tạo, hợp tác lao động có kỹ thuật, có kỷ luật, có năng suất hiệu quả cao, có nếp sống văn hóa, văn minh, sống trung thực lành mạnh và hài hòa, là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững về chính trị tư tưởng, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động thực sự là “Trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”; Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả để tập hợp, đoàn kết nông dân thành lực lượng chặt chẽ, thống nhất; tăng cường các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân; tiến tới có thể tiếp nhận một số dịch vụ công của Nhà nước và giảm chi phí cho dịch vụ tư nhân đến nông thôn.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tăng cường liên minh giai cấp nông dân, giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xã hội, trong đó, trọng tâm là đổi mới phương thức hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo trên địa bàn nông thôn; củng cố nâng cao năng lực bộ máy quản lý nông nghiệp nhất là cấp huyện, xã”.

Về kiến nghị: Có thể tóm tắt ba vấn đề lớn, then chốt, nông dân muốn kiến nghị với Đảng, Nhà nước, đó là:

Thứ nhất: Mong muốn Đảng và Nhà nước bổ sung và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, nâng cao mức sống nông dân, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, việc dạy nghề, giải quyết nhu cầu việc làm cho nông dân;

Hai là: Bảo đảm được mức và cơ cấu đầu tư để xây dựng hạ tầng nông thôn mới như Nghị quyết T.Ư 7 (khoá X) đã chỉ ra;

Ba là: Chỉ đạo có hiệu quả việc chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật và xúc tiến thị trường hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hoá. Đó là những nội dung rất cần thiết để giúp giai cấp nông dân Việt Nam vững bước tiến vào CNH- HĐH đất nước.

(*) Đầu đề do NTNN đặt

Theo Nguyễn Quốc Cường – Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

Advertisement

About nongdan24g

Nông dân 24giờ mỗi ngày cùng lao động tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, những hạt lúa thơm ngon, thực phẩm giàu dinh dưỡng ... và giàu lên nhờ nông nghiệp. Hãy ghé mỗi ngày tại www.nongdan24g.com để có tin nông nghiệp sản xuất mới nhất.
Bài này đã được đăng trong Chưa phân loại và được gắn thẻ , , , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s