Hải An, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) là xã vùng biển bãi ngang xưa kia với những cồn cát trắng bao quanh nhưng nay là một màu xanh bạt ngàn của rừng phòng hộ. Và người tiên phong trong việc trồng cây lâm nghiệp trên đất cát miền biển là anh Nguyễn Đình Thả – Chủ tịch Hội ND xã Hải An.
Năm 1983, hoàn thành nhiệm vụ rời quân ngũ anh trở về địa phương. Ở một vùng quê miền biển chỉ toàn cát trắng phát triển kinh tế đối với anh là cả một câu hỏi lớn. Đất đai ở quê thì nhiều mà lại cằn cỗi, hiện tượng cát bay, cát nhảy vào mùa “gió Lào” vào tận mọi ngõ xóm, từng ngôi nhà của người dân nơi đây. Xã đã có chủ trương khuyến khích người dân nhận đất để trồng cây chắn cát nhưng không được nhiều người hưởng ứng nhiệt tình.
Năm 1994, anh bàn với gia đình học lớp ươm cây giống để về vừa ươm vừa trồng cây bởi anh biết không dễ dàng gì để chống hiện tượng cát bay, cát nhảy ở quê mình. Nhờ chịu khó nghiên cứu trên sách, báo và học hỏi kinh nghiệm thực tế, thổ nhưỡng địa phương, anh xác định trên những triền cát trắng này chỉ có thể trồng cây lâm nghiệp. Nói là làm anh cùng gia đình đã nhận 40 ha đất cát để trồng cây khi giống vừa ươm lên. Với nguồn vốn ít ỏi tự có và vay mượn ngân hàng, anh thuê máy cày làm đất và tiến hành đào từng hố nhỏ theo hàng, theo lối đúng quy cách, thời gian đầu bón phân che chắn bảo vệ cẩn thận và hàng năm chặt nhánh, tỉa cành.
Trồng hết số đất xã giao, nhìn quanh anh vẫn thấy mênh mông là cát, xã khuyến khích anh trồng thêm đến năm 2000, anh đã trồng trên 300 ha rừng phòng hộ và 30 ha rừng kinh tế. Nhiều người cho rằng anh “dở hơi” chạy vạy vay mượn tiền để rồi suốt ngay trồng cây chống cát, nhưng mặc những lời đàm tiếu anh tiếp tục trồng và chăm sóc kỹ lưỡng, lứa này kế tiếp lứa khác. Năm 2008, anh trồng thêm 148 ha rừng phòng hộ. Nhờ đó đến nay, hơn 500 ha rừng chủ lực là keo lá tràm của anh đều sống và phát triển tốt. Một số diện tích anh đã khai thác bán củi, bán gỗ theo từng vụ 10 – 15 triệu đồng, đời sống của anh cũng nhờ đó đi lên. Nhiều người ngày trước “chê” giờ lại khâm phục anh bởi không chỉ là lợi ích kinh tế mà nhờ cây rừng đã tạo vùng sinh thái bền vững cho xã nhà
Bên cạnh trồng rừng, anh cùng gia đình làm nghề chế biến nước mắm bán cho các thương lái trong xã và huyện. Để phục vụ công việc khai thác thủy sản, anh tiếp tục đầu tư vốn mua máy làm đá, bán cho các tàu thuyền đánh cá. Hiện nay, anh mạnh dạn góp vốn đào hồ nuôi tôm thẻ chân trắng cùng những hộ gia đình khác trong xã. Từ rừng và những nghề khác mỗi năm anh thu nhập trên 100 triệu đồng.
Không chỉ là một nông dân đi đầu trong việc trồng rừng phòng hộ, anh còn là một cán bộ Hội nhiệt tình và năng động. Năm 1997, anh đảm nhận vai trò Bí thư chi bộ của thôn rồi đến BCH, BTV Hội ND xã và năm 2006, anh được bàcon tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội ND xã. Là một cán bộ Hội anh thường xuyên xuống tận chi, tổ Hội cùng sinh hoạt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân để phản ánh kịp thời với Đảng và Nhà nước. Anh không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia sinh hoạt Hội. Hàng năm, anh cùng tập thể BCH nổ lực phấn đấu hoàn thành tốt và vượt mức nhiều chỉ tiêu được giao như: phát triển hội viên, tập huấn KHKT, tín chấp vay vốn sản xuất cho hội viên, xóa nhà tạm cho hộ nông dân nghèo. Đặc biệt trong phong trào SXKD giỏi, anh đã mạnh dạn đề xuất với HĐND xã trích một phần ngân sách cho nông dân vay vốn làm trang trại phát triển kinh tế, đến nay 5 trang trại do Hội ND đỡ đầu đã đưa lại kinh tế cao. Từ những việc làm hiệu quả và thiết thực anh ngày càng được hội viên tin tưởng đồng thời ủng hộ và tích cực tham gia các phong trào Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện nhiều năm liền.
Theo Minh Hằng-Hội ND tỉnh Quảng Trị/Hội Nông Dân VN