Không chỉ bù đầu cứu hoa có giá thành đầu tư tăng với tốc độ phi mã thoát cảnh trở thành “rác” bởi những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, người trồng hoa ở Sa Đéc còn phập phồng lo giá đầu ra trước ẩn số vào phút 89 của hoa ngoại…
Tất cả khiến người trong cuộc “tái mặt” trước mùa hoa rộ sắc.
Bù đầu cứu hoa
Tại làng hoa Sa Đéc – “cái nôi” hoa kiểng ĐBSCL, hiện nay “nhà nhà, người người” đang dồn tâm sức cho thị trường tết – thị trường tiêu thụ lớn nhất trong năm của mặt hàng hoa. Ông Trần Văn Thăng – Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đồng Tháp – cho biết: “Năm nay, thị phần lớn nhất của hoa tết ở Sa Đéc vẫn là các loại hoa quen thuộc như: Vạn thọ Pháp, vạn thọ Úc, cúc mâm xôi, cúc Tiger, cúc Đài Loan và hoa hồng các loại…”. Người dân nơi đây đang bù đầu, bù tóc ngăn chặn tình trạng hoa nở sớm…
Ông Hồ Minh Thu bên giỏ cúc mâm xôi chực trổ sớm. Ảnh: Lục Tùng |
Vừa đến Tân Khánh Đông – một phường ven trung tâm làng hoa Sa Đéc – chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh khẩn trương cứu hoa như… cứu hỏa. “Mấy ngày nay, tôi phải mướn thêm lao động để xử lý thuốc, phân bón liên tục để cứu hoa nở sớm – ông Hồ Minh Thu – một nông dân trồng trên 9.000 giỏ hoa cúc mâm xôi ở xã Tân Khánh Đông (thị xã Sa Đéc) – tâm sự – Trưa nắng như đổ lửa, sáng sớm thì đầy sương mù, rồi mưa rải rác…, có lẽ đây là năm có thời tiết khó khăn nhất mà tôi gặp phải sau mấy chục năm theo
nghề”. Theo ông Thu, chỉ mỗi chuyện nóng – lạnh thất thường đã đủ làm cho nhà vườn lo lắng, nay lại thêm mưa trái mùa vào dịp cận tết, nên chi phí đầu tư năm nay tăng thêm bình quân 2.000 – 3.000đ/giỏ. Còn theo ông Huỳnh Văn Tiên (ấp Đông Huê, xã Tân Khánh Đông) chi phí tăng thêm lên đến 5.000đ/giỏ.
Vào đến phường Tân Quy Đông – trung tâm làng hoa Sa Đéc – chúng tôi như chìm vào không gian người người cứu hoa. Trên những luống hoa thẳng tăm tắp, nhiều nông dân đang xử lý ngăn chặn hoa nở sớm. Vì thế, theo các nhà vườn, giá hoa năm nay phải cao hơn năm ngoái bình quân 15-20% thì mới hy vọng có lời. Tuy nhiên, cũng như người trồng lúa, tuy phải chịu cực, chịu khổ, nhưng lâu nay người trồng hoa vẫn chỉ biết phó mặc lợi nhuận của mình cho thương lái quyết định…
Nỗi lo hoa ngoại
Theo nhiều nhà vườn, mối quan hệ mua-bán giữa người trồng hoa và các đầu mối tiêu thụ chỉ được gắn kết rất đơn giản, chủ yếu hợp đồng miệng từng thời vụ, trong đó nhà vườn luôn bị đẩy vào thế cầm dao đằng lưỡi nên gặp rất nhiều bất lợi. Trong khi đó, hoa nội nói chung, hoa Sa Đéc nói riêng đang mất dần chân đứng ngay trên sân nhà trước cơn lốc nhập khẩu của hoa ngoại. Vì vậy, ngay cả khi thủ phủ hoa ĐBSCL sụt giảm sản lượng, thì bài toán lợi nhuận của người trồng hoa tết vẫn là con số đầy trắc ẩn. Bởi thời tiết bất lợi đã và đang nâng giá thành lên cao, nhưng lại đẩy nét đẹp của hoa xuống.
Trong khi đó, hoa ngoại không chỉ đáp ứng nhu cầu đẹp từ hình dạng bên ngoài với màu sắc mới lạ, mà còn được đầu tư rất công phu về tên gọi sát thị hiếu “lấy hên” theo tập quán cổ truyền của người dân, nên luôn giữ thế “chiếu trên” trong thị trường, nhất là hoa đến từ Trung Quốc. “Thậm chí có năm, sự xuất hiện của hoa đỗ quyên Trung Quốc đã làm điêu đứng thị phần của “chúa xuân” vùng ĐBSCL: Cây mai vàng” – ông Thăng nhấn mạnh thêm. Cái khó nhất đối với người trồng hoa Sa Đéc là mù thông tin để có thể chủ động “né” đối thủ nặng ký này. Bởi thông thường, họ chỉ biết được chủng loại, giá cả của hoa ngoại vào lúc chợ hoa tết nhóm họp. Lúc đó mọi chuyện đã an bài. Liệu thị trường hoa tết con mèo này có nằm ngoài quy luật cũ(?!).
Lục Tùng