Nông dân và các làng nghề đặc sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ráo riết chuẩn bị hàng hóa cho Tết Nguyên đán 2011. Dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết nhưng sức mua, giá cả nhiều mặt hàng đặc sản đã tăng. Các làng nghề đang chạy “nước rút” để kịp đáp ứng các đơn đặt hàng.
* Trái cây: Giá tăng cao
Nhiều ngày qua, nhiều thương lái đổ về vùng bưởi năm roi Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang tìm nguồn hàng phục vụ Tết. Thống kê sơ bộ có hơn 50% diện tích bưởi nơi đây đã được thương lái đặt cọc. Đặc biệt, dù còn 1 tháng nữa mới Tết nhưng nếu vườn bưởi nào chín, thương lái sẵn sàng thu mua đem về dự trữ bán Tết. Ông Nguyễn Văn Khanh, ấp Phú Đông, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nói: “Năm nay, bưởi đậu trái không bằng mọi năm. Thương lái săn lùng các vườn bưởi phục vụ Tết rất sớm. Toàn bộ 1ha bưởi của tôi đã được mua xô với giá 100.000 đồng/chục, trong khi 10 ngày trước chỉ có 60.000-70.000 đồng/chục”. Ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX bưởi năm roi Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã có trong tay hơn 100 tấn bưởi loại tốt cung ứng cho hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại ở TP Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Bắc… phục vụ Tết. Ngoài ra, HTX cũng đảm bảo lượng hàng tương đương cung ứng cho các chợ trái cây đầu mối. Giá thu mua bưởi hiện tại của nông dân lên tới 8.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 1 năm qua”.
![]() |
Tráng bánh Tết ở làng bánh tráng Thuận Hưng. Ảnh: MỸ THANH |
Ông Trần Văn Năm, chủ vựa cam sành ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Năm nay sản lượng trái cây đặc sản không bằng năm trước, trong khi nhu cầu tăng mạnh. Vì vậy, mình phải chủ động nguồn hàng trước. Hiện tôi đã đặt cọc “dự trữ” sẵn trong vườn nông dân huyện Châu Thành (Hậu Giang), huyện Trà Ôn, Tam Bình (Vĩnh Long) hơn 600 tấn cam sành cho dịp Tết với giá lên tới 18.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng/kg so với 10 ngày trước. Toàn bộ nguồn hàng sẽ được thu hoạch chở ra miền Bắc tiêu thụ. Với mức giá “bao tiêu” cao như hiện nay, nông dân cầm chắc lời 70%”.
Tại ĐBSCL, xoài cát Hòa Lộc, một trong 5 loại trái cây chưng trong mâm ngũ quả ngày Tết, đang có giá cao nhất từ trước đến nay. Vì sản lượng có hạn nên thương lái, doanh nghiệp săn lùng ráo riết. Ông Huỳnh Văn Sang, Phó Chủ nhiệm HTX xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nói: “Giá xoài Tết hiện nay lên tới 60.000 đồng/kg. Toàn bộ hơn 10 tấn xoài Tết của HTX còn… trên cây, nhưng đã có hợp đồng tiêu thụ hết”.
* Mặt hàng khô: Đặt hàng mới có
Năm nay, đặc sản tôm khô Vinh Kim (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) có giá cao nhất từ trước đến nay: loại I từ 700.000 – 750.000 đồng/kg, loại II từ 500-650.000 đồng/kg, loại III từ 350-400.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sản phẩm này không đủ hàng để bán. Ông Dương Văn Nhã, Chủ nhiệm HTX tôm khô Bình Minh (xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), cho biết: “Nhu cầu mặt hàng tôm khô đặc sản Vinh Kim Tết năm nay tăng rất cao. Nếu đủ nguồn nguyên liệu, chúng tôi có thể ký hợp đồng cung ứng đến 7 tấn. Hiện tại chúng tôi đang khẩn trương sản xuất để kịp giao hơn 1 tấn sản phẩm cho hệ thống Siêu thị Co.opMart và Công ty Tân Đông (TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp đặt hàng để tặng cán bộ, công nhân viên dịp Tết, nhưng chúng tôi chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu”.
Những ngày này, tại làng khô đặc sản cá sặt rằn ở ấp An Hòa, xã Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang) không khí làm việc nhộn nhịp gần như diễn ra suốt ngày đêm. Tại nhà ông Tư Thêm, gần chục lao động đang hối hả làm cá, ướp muối, phơi khô. Tiếng cười nói rôm rả. Ông Tư Thêm bộc bạch: “Ở vùng lũ này, con cá sặt rằn làm khô thì không gì bằng! Mấy năm gần đây, nó là món khoái khẩu của khách hàng sang trọng ở các đô thị lớn nên hút hàng lắm. Hiện tại, thương lái các nơi hối mình làm không kịp. Năm nay, lũ nhỏ, nguyên liệu ngày càng khan hiếm, nguồn cá tại địa phương và vùng lân cận ở Campuchia không đủ cung cấp trong khi nhu cầu ngày một tăng. Cư dân làng khô sang tận Thái Lan tìm mua cá tươi về làm”. Hiện tại giá khô đặc sản cá sặt rằn loại tốt bán sỉ lên tới 180.000-220.000 đồng/kg nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu…
* Bánh tráng, bánh tét: Nhu cầu tăng mạnh
Làng bánh tráng Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) là làng nghề truyền thống đã hơn 30 năm nay. Ở đây có tất cả khoảng 40 lò bánh tráng, hoạt động liên tục suốt năm, cung cấp bánh tráng đủ loại cho khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Hằng năm, mùa bánh tráng Tết thường bắt đầu từ cuối tháng 11 và kết thúc vào khoảng 27, 28 tháng Chạp. Vì thế, làng bánh tráng Thuận Hưng vào những ngày này cường độ làm việc tăng gấp 4 – 5 lần so với những ngày thường. Bởi hầu hết các lò bánh đã có đơn đặt hàng. Chị Thái Thị Lệ Hồng, chủ lò bánh Bé Hai, nói: “Lượng đơn đặt hàng năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái. Đây là một tin vui cho bánh tráng Thuận Hưng. Mỗi ngày, chúng tôi dậy từ 2, 3 giờ sáng làm việc đến 3, 4 giờ chiều mà vẫn không kịp đáp ứng các đơn đặt hàng”. Với 3 nguyên liệu chính: bột gạo, muối, đường bánh tráng ở đây gồm 4 loại: Bánh tráng trắng (nhúng), bánh tráng dẻo (mặn), bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa. Tùy vào loại bánh mà người tráng thêm nguyên liệu vào để tạo hương vị đặc trưng.
Ở TP Cần Thơ, bánh tét lá cẩm của cơ sở Năm Hòa (phường Hưng Phú, quận Cái Răng) là một đặc sản khá nổi tiếng. Bởi ngoài những nguyên liệu và cách nấu như bánh tét truyền thống, trong quá trình trộn nếp, bánh tét lá cẩm được trộn thêm nước lá cẩm để tạo màu tím nhẹ, rất dịu cho đòn bánh khi chín. Dì Năm Hòa, chủ cơ sở Năm Hòa, cho biết: Trong những ngày Tết, mỗi ngày, cơ sở tiêu thụ từ 400 – 500 đòn, tăng gấp 7 – 8 lần ngày thường. Ngoài thị trường tiêu thụ chính là TP Cần Thơ, bánh tét lá cẩm còn được ưa chuộng ở các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh… Chính vì thế, hiện nay, cơ sở Năm Hòa đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu (nếp, đậu, dừa…), về nhân lực… sẵn sàng cho đợt cao điểm vào 14 – 20 tháng Chạp tới.
Bánh tráng Thuận Hưng có giá từ 35.000 – 150.000 đồng/100 bánh; bánh tét lá cẩm từ 30.000 – 100.000 đồng/đòn. Năm nay, giá nguyên liệu đầu vào như gạo, nếp, đường, đậu… đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái nên bánh tráng Thuận Hưng mỗi loại tăng từ 5.000 – 20.000 đồng/100 trăm cái, bánh tét Năm Hòa tăng từ 10.000 – 20.000 đồng/đòn. Tuy nhiên, theo những người sản xuất, không vì thế mà hai sản phẩm đặc trưng trên kém phần thu hút người tiêu dùng trong những ngày Tết.
Thanh Huy – Mỹ Thanh/Cần Thơ