Cuối năm bao giờ cũng một núi việc ùn lại, mệt quá bác ạ.
– Việc lúc nào chả ùn, đường ngày nào chả tắc. Kế hoạch năm nay chưa hoàn thành sẽ tiếp tục vào năm sau. Căn bản là tầm nhìn, đến năm 2020 ta sẽ là nước công nghiệp, những chuyện vặt vãnh về ăn, ở, môi trường, giao thông như hiện nay sẽ chấm dứt.
– Mình vẫn làm ruộng hay nhập gạo, ăn bánh mì thay cơm?
– Vớ vẩn, gạo đang xuất thứ nhì thế giới, bỏ sao được, sẽ công nghiệp hoá sản xuất nông nghiệp.
– Nông dân ngồi máy tính điều khiển dây chuyền làm ruộng?
– Chuyện này tớ chưa biết. Trẻ con nhà quê bây giờ giỏi chít chát, chơi ghêm chả kém dân tỉnh. Đó là nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hoá nông nghiệp sau này.
– Em chỉ mong có đường cao tốc về tất cả các miền quê cho dân về quê ăn tết đỡ khổ. Đường sá là cơ sở hạ tầng, chắc chắn đường phải có trước, nhà máy có sau.
– Chú nói y trang chuyện “con gà có trước quả trứng”.
– Thôi bác đừng triết lý nữa. Cả gà, cả trứng đều chén tất. Nói thế cho nó nhanh.
– Nhưng đường cao tốc về quê chú phải tính toán lại, bà con huyện Bến Lức (Long An) đang kiện đường cao tốc TPHCM-Trung Lương. Tình hình căng lắm.
– Kiện cáo lúc đền bù, giải toả, xong rồi còn kiện gì?
– Kiện hiện đại hoá.
– Không phải kiện con đường mà cái đèn.
– Cái đèn thì làm sao, cao tốc xe phóng ào ào, không đèn để húc nhau toé khói ra à?
– Nhưng đèn thắp suốt đêm, lúa 2 bên đường 100 mét đều bị điếc không trổ bông vì đèn sáng. Từ 101 mét trở ra vẫn sinh trưởng bình thường.
– Lạ nhỉ, chưa thấy ai nói đến “khoa học” lúa đèn.
– 114 hộ ở 3 xã đường chạy qua đang thiệt bạc tỉ vụ này, khoa học muốn kết luận kiểu gì thì kết, nhưng ông cao tốc phải bồi thường là cái chắc. Hiện đại vừa “hại điện”, còn hại lúa nữa.
Theo Lý Sinh Sự/Báo Lao Động