Khoảng 50 chiếc tàu cá của ngư dân đã gặp nạn trên biển trong mấy ngày qua vì “cơn biển động không báo trước”. Nhiều ngư dân, thuỷ thủ đã ở lại biển khơi, nhiều người khác trở về với hai bàn tay trắng. Nước mắt đã hoà cùng nước biển!

Bà Nguyễn Thị Tân (bên trái người mặc áo ấm đen) vợ của nạn nhân Nguyễn Thành Câu, mẹ của nạn nhân Hồ Văn Chạy đau xót trước cái chết của hai người thân. Ảnh: Hồ Hương Giang
Làng chài rơi lệ
Trong căn nhà nhỏ của ông Trần Nô ở thôn Phương Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, mấy đứa nhỏ cứ thấp thỏm nhìn ra khe cửa nhỏ để chờ tin của chú, thỉnh thoảng lại khóc vỡ oà. Trước khi ra biển, ông Nô đã hứa với mấy đứa cháu nhỏ, ngày mai ông trở về dẫn mấy đứa nhỏ lên Huế đi siêu thị Big C, nhưng mọi lời hứa bây giờ đã bay đi để lại nỗi đợi chờ.
Đau đớn nhất ở thôn Phương Diên, có lẽ là gia đình bà Nguyễn Thị Tân, trên con tàu xấu số ra biển đánh bắt cá hôm đó, nhà này có đến ba người thân cùng đi. Trong đó, có một người đã kịp bơi vào bờ sống sót là ông Nguyễn Duân. Mấy ngày nay, bà Tân đã ngất đi tỉnh lại không biết bao lần, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy người thân trở về. Ông Nguyễn Duân, kể lại: “Hơn một tháng nay, mấy anh em bạn chài trong làng không ai đi đánh bắt vào mùa mưa, tự nhiên hôm vừa rồi, mọi người bảo nhau đi biển Lăng Cô câu mực, ai ngờ vừa mới đến khu vực biển Cảnh Dương, thì gặp sóng to, bị sóng đánh chìm, cả mấy anh em nhảy xuống cùng bơi vô cảng Chân Mây, sau khi bơi hơn nửa tiếng, đến lúc tỉnh dậy, thì biết mình đã được bộ đội biên phòng cảng Chân Mây cứu sống”.
Tính đến 16 giờ ngày 19.12, ba trong số năm nạn nhân trong vụ chìm tàu cá TTH-40498 đã được tìm thấy, trong đó có một người còn sống. Hai người còn lại gồm Nguyễn Thanh Câu (55 tuổi) và Trần Nô (60 tuổi) bị mất tích. Ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, ngày 19.12, lãnh đạo huyện Phú Vang và Phú Lộc đã huy động hơn 20 tàu thuyền của ngư dân cùng lực lượng cứu hộ của bộ đội biên phòng tỉnh nỗ lực tìm kiếm từ bờ biển Cảnh Dương đến vùng biển tiếp giáp thành phố Đà Nẵng, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa tìm thấy thi thể của hai ngư dân nói trên.
Theo thông tin chúng tôi có được, trong lúc tàu gặp nạn, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhận được điện thoại từ chủ tịch UBND xã Phú Diên báo về tình hình nguy cấp của chiếc tàu đánh cá. Lãnh đạo đơn vị đã báo cáo với ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và trung tâm Tìm kiếm cứu nạn khu vực 2, tuy nhiên hai chiếc tàu của trung tâm này đang làm nhiệm vụ tại Quảng Nam nên không thể ứng cứu. Hải đội 2 biên phòng Đà Nẵng cũng không thể ra khơi được.
14 tàu bị đánh chìm, hàng chục người mất tích
Ngày 19.12, ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Trung ương cho biết, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã cử chín tàu và hai máy bay trực thăng đang tập trung phối hợp cứu nạn các tàu trên biển. Hiện có 3 người chết và 6 người mất tích. Cũng theo nguồn tin này, đã có 14 tàu bị sóng đánh chìm; 17 phương tiện khác bị hỏng, mắc cạn. Ngoài ra, còn 23 người của tàu Phú Tân – Vinalines và 21 người của tàu BV 4248 TS vẫn chưa có thông tin. Lệ Hà |
Được biết, xã Phú Diên, huyện Phú Vang có khoảng 70 ghe, tàu đánh cá. Nhưng tại thời điểm nói trên, chỉ có tàu cá mang số hiệu TTH-40498 ra khơi, khi gặp biển động, thì di chuyển vào cảng Chân Mây trú ẩn, nhưng không kịp.
Trắng tay mùa biển cuối năm
“Tưởng cuối năm, biển trả cho bọn tui tí đỉnh để ăn tết. Ai ngờ, biển làm dữ thế này,” ông Võ Thanh Tâm, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, buồn bã nói. Hôm đó, khoảng 5 giờ, ngày 16.12, ông Tâm và hai thuyền viên là Mai Văn Thành và Đặng Hải bàn nhau đi xa. Ai ngờ, khoảng 10 giờ, khi mỗi người lặn được hai hơi, bắt bốn đến năm con tôm thì gió bắt đầu nổi lên và sóng bắt đầu kéo đến đùng đùng. “Vội thu dọn đồ nghề để chạy theo mấy con thuyền khác vào bờ, nhưng lúc máy nổ, thì sự cố xảy ra: chân vịt gãy ngang”, ông Tâm kể. Lúc đó, sóng đã cao 2 – 3m, thi nhau từng đợt bổ nhào xuống con thuyền, tràn vào khoang. Sau nhiều giờ chống chọi, ông Tâm điện cho anh ruột đang ở trên bờ nhờ hải đội 2 bộ đội biên phòng Quảng Ngãi ra cứu. Bây giờ, chiếc tàu bị sóng đánh tơi tả, mũi thuyền bị đánh bung ra. “Đi biển cả năm coi như trắng tay. Mấy chục triệu bạc đã bỏ xuống biển mất rồi”, ông Tâm tiếc nuối.
Tại xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, bà Nguyễn Thị Mai đã khóc ngất. Bà Mai kể, tàu cá của chồng bà, ông Nguyễn Văn Bay với 11 lao động rời cảng Sa Kỳ vào 12 giờ trưa ngày 14.12. Khi đến vùng biển gần đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận lúc 1 giờ đêm 17.12, thì biển động. “Ông Bay gọi về bảo, chỉ hai con sóng phủ, con tàu đã bị nhấn chìm. May mà có tàu của ông Tiêu Viết Lành đi cùng chuyến chạy đến vớt kịp, còn không, bây giờ 11 người đã không biết về đâu”.
Theo bà Mai, nợ chung con tàu giữa ông Bay và một người nữa là 400 triệu đồng. Số nợ này giờ không có cách gì để trả, bởi một khi còn con tàu, đầu nậu còn cho vay mượn, rồi làm ăn trả nợ dần dần, còn nay tàu mất, có đầu nậu nào dám cho mượn tiền, mà đi làm thuê thì đến cuối đời cũng chưa chắc trả hết số nợ này.
Theo H.Hương Giang – Phạm Anh – Bích Đào/Báo SGTT
Nỗi đau cho người ở lại
Mấy ngày hôm nay, gia đình ông Đồng Văn Đức ở thôn 3, xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá), bố của anh Đồng Văn Báu – nạn nhân trong vụ tàu Phú Tân gặp nạn – không ngớt tiếng khóc. Còn chị Phạm Thị Thơm – vợ anh Báu ốm liệt giường khi người chồng ra đi, để lại đứa con gái mồ côi mới tròn 14 tháng tuổi. Học xong THPT, thương bố mẹ nghèo, Báu không dám mơ ước cao sang đi thi đại học, mà chọn nghề làm thuê trên tàu biển, mong kiếm chút tiền giúp đỡ mẹ cha. Sau nhiều năm làm việc, rồi học nghề hàng hải từ trung cấp lên cao đẳng trong bảy năm, đến năm 2004, anh Báu tham gia đội lái tàu của công ty vận tải container Vinalines. Đến khi gặp nạn, anh có chức danh thuyền phó 3 của tàu Phú Tân. Chiều ngày 19.12, ông Đồng Văn Sự, chú ruột của anh Đồng Văn Báu nói: “Khi gia đình nghe công ty báo tin Báu tử vong, ai cũng không tin đó là sự thật. Năm 2004, gia đình Báu đã phải nhận một tin dữ khi đứa em trai của Báu mới tốt nghiệp đại học sư phạm, đi dạy được 20 ngày ở huyện miền núi Thạch Thành, Thanh Hoá thì bị tai nạn giao thông, tử vong”.
An Bình