Lễ hội sinh vật cảnh và thương mại đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (1 – 5.12.2010) thật sự là một cuộc hội ngộ lớn của giới nghệ nhân sinh vật cảnh từ khắp các vùng miền đất nước.
Các tác phẩm nghệ thuật được mang đến lễ hội này không chỉ để trưng bày cho mọi người thưởng lãm, mà là bước giới thiệu chào hàng mới cho mùa kinh doanh hoa kiểng, cây cảnh tết sắp tới.
Cây thông ba lá – một loại cây mới đang được ưa chuộng. Ảnh: Nguyệt Hồng
|
Theo nhận định của các nhà vườn hoa kiểng ở Đồng Tháp, tết năm nay hoa kiểng của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chia bớt thị phần do đang rộ lên trào lưu chơi cây cảnh, đá cảnh từ các tỉnh cao nguyên, miền Đông Nam bộ lan mạnh về TP.HCM và xuống tận các tỉnh đồng bằng này.
Chủ vườn mai Dũng Loan ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM tiếc là chỉ còn bảy cây mai theo thế mai cảnh, mang xuống lễ hội trong ngày đầu tiên đã bán ngay hai cây. Ông không ngờ ở xứ hoa kiểng nổi tiếng này năm nay cũng chuộng cây cảnh lạ như vậy.
Hội sinh vật cảnh Lâm Đồng thu hút những người mê cây cảnh với cách tạo cây cảnh theo phong cách Sarimiki của Nhật Bản. Liễu, tùng, trắc bá diệp là những loại cây được sử dụng làm cây cảnh Sarimiki với kiểu tạo dáng mềm mại, điểm nhấn chính là thân cây có một bên màu trắng, nhưng không phải sơn mà là do nghệ nhân phết một loại thuốc bảo vệ đặc biệt để bảo vệ lõi thân cây sau khi lột bỏ phần vỏ thân xấu. Anh Thạo, một nghệ nhân cho biết cây cảnh Sarimiki sẽ là mặt hàng chủ lực của Lâm Đồng trong dịp tết sắp tới. Nghệ nhân Lâm Đồng còn giới thiệu hàng lục bình bằng rễ cây, có bình 300.000 – 400.000 đồng, có bình trên 100 triệu đồng, cây cảnh làm từ cây dương.
Nghệ nhân hai tỉnh Đồng Tháp và Bến Tre không để hổ thẹn xứ hoa – cây kiểng. Anh Sáu Nhân ở Bến Tre tích cực giới thiệu với khách tham quan những cây cảnh mới làm từ cây me, cây sơri, cây sanh, linh sam. Nghệ nhân miền Tây còn sáng tạo thêm cây cảnh trông như cây khô nhưng ra chồi, ra lộc xanh, đỏ từ cành khô khá độc đáo.
Từ các tỉnh cao nguyên và miền Trung xa xôi như Dăk Lăk, Bình Định, Phú Yên chở hàng về Đồng Tháp khá vất vả, nhưng dịp chào hàng đá cảnh, đá tạo hình với người dân đồng bằng sông Cửu Long lần này, nghệ nhân về đá đã thấy tiềm năng mở ra thị trường mới. Tuy nhiên, người ở miền Tây thích các loại đá cảnh cỡ nhỏ, có hình dáng rõ hơn là những khối đá trừu tượng.
Phong trào chơi sinh vật cảnh ngày càng nhiều. Một số nghệ nhân sưu tầm đá cảnh đã có ý hợp tác với nghệ nhân cây cảnh ở TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long để đưa ra những tác phẩm mới.
bài và ảnh: Nguyệt Hồng/Báo SGTT