Chưa có năm nào, mưa và triều cường lên nhanh làm ngập lụt kéo dài trên vùng Bán đảo Cà Mau gây thiệt hại lớn như năm nay. Hàng chục ngàn căn nhà chìm trong nước.
Ngoài đồng, 9.000 tấn muối tan thành nước; lúa không chịu được nước ngập chết chòm chết lõm; hoa màu héo úa trên những con liếp nhỏ. Nhiều nông dân nhìn cánh đồng trắng nước chỉ biết khóc ròng…
Nước lên, đời xuống
Đã hơn 10 ngày nay, bà Nguyễn Thị Nga, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu ngủ không ngon giấc vì căn nhà chỉ có chiếc giường là khô ráo. Đó là cái khổ trước mắt, nhưng nỗi lo lớn nhất của bà là không biết đến tết này lấy đâu ra lúa, thóc để trang trãi trong gia đình. Mọi năm, giờ này 7 công lúa đã hơn 2 tháng tuổi. Tết lúa đầy bồ. Năm nay nắng kéo dài mãi đến cuối tháng 10 mới có mưa. Khi cây lúa mới 1 tháng tuổi nước ngập tràn đồng, lúa chết hết. Bà Nga than: “Tui sạ đến 3 lần mà lúa vẫn không sống được. Đặt máy bơm không kịp vì nước ngoài sông cao hơn trong đồng. Tết năm nay thiếu hụt là cái chắc”.
Long Thạnh có 2.300ha sản xuất nông nghiệp thì tất cả đều ngập nước, trong đó trên 2.000ha mất trắng. Ông Hồ Thanh Thủy, Phó Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi chép miệng: “Cả huyện có đến 12.000ha lúa bị thiệt hại do triều cường và mưa lớn. Nhiều bà con sạ đến 4-5 lần nhưng chẳng ăn thua. Huyện đã đề nghị tỉnh hỗ trợ, nhưng tỉnh hình như chưa có kinh phí”.
Không riêng gì nông dân sản xuất lúa mà cả cánh đồng trồng màu nổi tiếng tại xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông cũng úa màu vì nước biển tràn vào. Ông Sơn Kiên, Phó phòng Kinh tế TP.Bạc Liêu cho biết: “Thống kê sơ bộ có đến trên 2.000ha hoa màu của nông dân thiệt hại trắng”. Nhiều tuyến đê bị sóng biển cuốn trôi, nước mặn tràn vào nhà dân gây ngập úng nghiêm trọng.
Tại huyện Đông Hải, Bạc Liêu những tưởng mưa ngập nước tràn chỉ gây thiệt hại cho người nuôi tôm nào ngờ diêm dân cũng khóc theo mưa vì nước đã làm tan gần 9.000 tấn muối của họ. Ông Nguyễn Tấn Khương, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết: “Số muối này do diêm dân trữ lại ngoài đồng chờ giá lên. Nền thấp, nước tràn từ phía đê vào gây ngập làm muối tan hết”. Diêm dân Nguyễn Văn Đấu, ấp Gò Cát, xã Diêm Điền than: “Vừa rồi giá muối thấp quá tôi không bán tu lại chờ. Nào ngờ nước làm tan hết. Chắc phải cố miếng đất để trả nợ cho người ta”.
Thiệt hại bất ngờ
Ông Phan Minh Quang, Phó giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu cho biết: “Năm nay nước lên khá bất ngờ và đỉnh triều cao nhất từ 20 năm qua nên nhiều bà con nông dân trơrở tay không kịp. Chính vì họ không chuẩn bị trước nên mức độ thiệt hại khá lớn”. Theo thống kê của Sở NNPTNT Bạc Liêu, 2 đợt triều cường và mưa lớn vào tháng 11 đã làm ảnh hưởng trên 54.000ha lúa đông xuân, trong đó khả năng mất trắng trên 16.000ha; 2.4000ha hoa màu bị thiệt hại, ngập trên 18.000 căn nhà… Tổng thiệt hại ước tính lên đến trên 56 tỉ đồng.
Tại Cà Mau, dù đã tiên liệu được triều cường sẽ lên vào tháng 11, nhưng ít ai ngờ nước lại dâng cao đến nhiều đường sá tại trung tâm thành phố bị ngập. Nước tràn đã làm thiệt hại hoàn toàn 1.000ha ao nuôi tôm của trên 1.000 hộ nông dân với tổng thiệt hại lên đến trên 20 tỉ đồng. Đoạn đê biển Tây từ U Minh đến Trần Văn Thời dài hơn 100 km, vốn đã yếu, phải thường xuyên gia cố mỗi khi triều cường, sóng to nay tiếp ục oằn mình trước những đợt sóng lớn tràn vào bờ. Ông Nguyễn Long Oai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết: “Hầu hết các tuyến đê nước biển đều tràn vào, trong đó có nhiều đoạn có nguy cơ sạt lở rất cao. Kinh nghiệm nhiều năm làm công tác thủy lợi cho thấy, năm nay nước lên nhanh và mãnh liệt hơn các năm trước đây”.
Cà Mau chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo báo cáo của nhiều địa phương, do ảnh hưởng của đợt triều cường mưa lớn vừa qua hầu hết 54.000ha đất sản xuất lúa tôm của tỉnh này đều ảnh hưởng.
Ngập – tràn… sẽ không xa
UBND tỉnh Bạc Liêu vừa triệu tập cuộc họp Ban chỉ đạo sản xuất của tỉnh. Nhằm khắc phục, bù đắp phần nào mất mát do thiên tại gây ra, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng chỉ đạo không để người dân nào phải thiếu đói. UBND tỉnh Bạc Liêu chính thức kiến nghị TƯ xin 36 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Trong lúc chờ đợi ý kiến của Chính phủ, UBND tỉnh Bạc Liêu ưu tiên cấp cây, con giống cho hộ nghèo kịp thời sản xuất khi nước rút. Ông Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ đạo các ngành, nhất là NNPTNT phải cung cấp đủ nguồn giống cho nông dân, ngành công thương kiểm tra giá bán cây, con giống, không để lợi dụng lúc nông dân thiếu giống mà tự tăng giá.
Cà Mau cũng thành lập nhiều đoàn công tác đến các huyện nắm tình hình nhằm khắc phục hậu quả thiên tai. Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Trước mắt chúng tôi đề nghị ngành nông nghiệp rà soát lại nhu cầu giống để kịp cung cấp cho người dân sản xuất, sau khi có thống kê thiệt hại chính thức sẽ có kế hoạch hỗ trợ cụ thể”.
Đợt triều cường, mưa lớn vừa qua tại Bán đảo Cà Mau gây thiệt hại lớn đối với người dân. Người ta đang đổ cho biến đổi khí hậu, nước biển dâng với kịch bản lên 50cm trong 50 năm nữa. Lúc đó không biết thế nào, nhưng năm nay nước đã cao hơn năm trước hơn 10cm rồi. Với đà này, bán đảo Cà Mau ngập chìm trong nước ở tương lai rất gần.
Theo Nhật Hồ/Báo Lao Động