Liên tiếp trong tháng 11, nhiều mặt hàng nông sản tại ĐBSCL xác lập kỷ lục mới về giá. Sau con tôm sú, đến lượt cây mía giá lên cao ngất ngưởng.
Nhiều nông dân trúng mùa, trúng giá, trong khi các nhà máy đường chạy đôn chạy đáo tranh nhau nguồn nguyên liệu chế biến, vì giá đường cũng cao chót vót.
Nụ cười xen lẫn âu lo
Ông Nguyễn Thanh Liêm – ở thị trấn Long Phú (huyện Long Phú, Sóc Trăng), có 4ha trồng mía, vừa mới bán được 2ha – vui mừng cho biết: “Tui bán được giá 1.300 đồng/kg, lời (lãi) nhiều. Đây là mức giá cao nhất từ khi tôi trồng mía đến nay”. Sóc Trăng là một trong những tỉnh có diện tích trồng mía nhiều nhất ĐBSCL, tập trung tại 2 huyện Cù Lao Dung, Long Phú và một phần của huyện Trần Đề. Đời sống người trồng mía thường bấp bênh theo mùa mưa lũ và theo giá cả lên xuống thất thường.
Dù giá mía tăng cao kỷ lục, nhưng nông dân vẫn không mấy vui, hầu hết đều lo lắng mùa sau, liệu giá đường có cao, giá mía có đắt như năm nay? Ông Lý Thanh Tân – ở xã An Thanh 3 (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) phân trần: “Nông dân được mùa nào hay mùa nấy. Chẳng ai cam đoan với chúng tôi vụ tới giá mía sẽ cao như bây giờ, nên hầu hết bà con không dám mở rộng diện tích”.
Các nhà máy đường cũng âu lo không kém vì với giá mía cao chót vót như thế này, chuẩn bị cho vụ mía đường năm 2011, không biết nên ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân với giá nào. Nếu ký với giá 1.300 đồng/kg như hiện nay, năm tới giá đường xuống thấp sẽ bị lỗ vốn.
Bao giờ hết ăn đong
Theo cam kết của Hiệp hội Mía đường ĐBSCL, hằng năm đều phân chia vùng nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy. Vụ mía đường năm 2010, Cty CP mía đường Cần Thơ bỏ ra 5-6 tỉ đồng để đầu tư nguồn nguyên liệu tại tỉnh Hậu Giang; Cty mía đường Sóc Trăng cũng bỏ ra trên 4 tỉ đồng để đầu tư nguồn nguyên liệu tại 2 huyện Cù Lao Dung, Long Phú. Nhưng thiếu nguyên liệu thì vẫn cứ thiếu. Ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty CP mía đường Cần Thơ – cho biết: “Thông thường mỗi nông dân có hợp đồng đều được cấp một phiếu ưu đãi giao mía. Nhân viên nhà máy xuống mua của những người có phiếu.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết nông dân không tuân thủ quy định này. Họ bán cho người nào thu mua với giá cao hơn”. Vào thời điểm này, tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) trung bình mỗi ngày nông dân thu hoạch 12.000 tấn mía, nhưng Nhà máy đường Cần Thơ – đơn vị đã xây dựng vùng nguyên liệu tại đây – chỉ thu mua được khoảng 4.500 tấn. Số còn lại bị thương lại các nơi khác tranh mua. Trong khi đó tại Cà Mau, vùng nguyên liệu mía tại huyện Thới Bình tuy không ai tranh mua, nhưng mía vẫn thiếu. Nguyên nhân do năm 2009 giá mía xuống thấp, nhiều nông dân chuyển diện tích trồng mía sang nuôi tôm nên vùng nguyên liệu bị thu hẹp.
Năm 2010, diện tích mía toàn vùng ĐBSCL khoảng 48.000ha, sản lượng ước đạt 3,2 triệu tấn. Qua đăng ký, 10 nhà máy đường khu vực ĐBSCL cần đến 3,6 triệu tấn. Nếu các nhà máy dự kiến ép trong 5 tháng, sẽ thiếu khoảng 400 ngàn tấn. Hiện tại, tất cả các nhà máy đều kêu thiếu nguyên liệu.
Theo Nhật Hồ/Báo lao Động