Thoát đời bán ngập

Hồ trữ nước là nhà cửa, ruộng đồng, ao cá của hàng nghìn hộ dân. Đó là tình cảnh của trên hai nghìn hộ dân sống ở nơi được gọi là vùng bán ngập hồ Núi Cốc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Nước rút, dân mới có đất trồng trọt, nước lên cái đói lại chực chờ khắp các xóm ngập nặng ở vùng bán ngập. Đầu tháng 11.2010, Chính phủ đã phê duyệt dự án di dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc, mở ra một cuộc sống mới cho hàng nghìn hộ dân sau gần 10 năm tranh đất với lòng hồ.

Cư dân bán ngập

Hồ Núi Cốc – hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh và là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Thái Nguyên được khai sinh năm 1971. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thiết kế xây dựng công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc bao gồm 1 đập chính, 7 đập phụ, 2 tràn xả lũ, mực nước lũ theo thiết kế ở cao trình 48,25m, mực nước dâng bình thường ở cao trình 46,2m.

Theo thiết kế, gần 1.000 hộ dân thuộc các xã sống trong vùng lòng hồ ở thời điểm đó đã thực hiện các thủ tục bàn giao nhà cửa, ruộng vườn để trả đất cho hồ. Họ được bố trí đến khai hoang, tái định cư thuộc huyện Đại Từ và những khu vực lân cận. Đi tái định cư vài năm với những khởi đầu mới khó khăn, cực khổ, những cư dân lòng hồ khi quay lại nơi ở cũ vẫn không thấy mép nước của hồ chạm tới ruộng vườn cũ của mình. Bởi bắt đầu từ năm 1976, công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Thái Nguyên bắt đầu tích nước, mực nước hồ chỉ giữ ở cao trình 42,6m, còn kém xa mực nước dâng bình thường theo thiết kế là 46,2m. Vậy là tiếc đất, tiếc nhà, cộng với khó khăn ở nơi ở mới, người dân lòng hồ Núi Cốc trở lại tái sử dụng diện tích đất nông nghiệp chưa bị lòng hồ nuốt chửng.

“Bắt rễ” ở vùng bán ngập hơn 20 năm, đến năm 2001, tràn xả lũ số 2 của hồ Núi Cốc được hình thành, nâng mực nước dự trữ lên đúng thiết kế là 46,2m. Mùa tích nước, mực nước dâng cao hơn trước gần 4m khiến hàng nghìn hộ gia đình sống trong vùng bán ngập giờ bị ngập thật. Từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, nhà cửa, ruộng vườn, ao cá vùng bán ngập đều nằm dưới mặt nước.

Ông Lê Thanh Sơn – Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Từ – thống kê nhanh: “Từ cao trình 48,25m trở xuống có 2.682 hộ dùng đất bán ngập với 11.553 khẩu bị ảnh hưởng. Cụ thể, 176 hộ bị ngập thường xuyên dưới cao trình 46,2m; 537 hộ có nhà ở bị ngập 15 đến 20 ngày/năm ở cao trình 46,2m đến cao trình 48,25m; 1.969 hộ bị ngập 30-40% đất sản xuất”.

Tranh đất với hồ

Nguồn sống chủ yếu của cư dân vùng bán ngập là sản xuất nông nghiệp, nhưng kể từ khi nước hồ tranh mất một vụ lúa khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn hơn. Đơn cử như xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ – là xã có diện tích đất nông nghiệp bị ngập nhiều nhất, toàn xã có tới 257/870 hộ nghèo, trong đó các xóm 7, 8, 9, 10 có tỉ lệ hộ nghèo rất cao – chiếm tới 70%. Tương tự, theo thống kê năm 2009, một số xã bị ngập nặng khác cũng có thu nhập bình quân đầu người thấp như xã Bình Thuận 5,8 triệu đồng/người, Vạn Thọ 6,2 triệu đồng/người, Lục Ba 8,7 triệu đồng/người, Phúc Tân 6,5 triệu đồng/người.

Ngày chúng tôi đến xã Vạn Thọ – xã nghèo nhất vùng bán ngập khi cao trình của hồ ở mức 47,5m. Nước hồ đang tiến sát những ngôi nhà gần đó, còn đám ruộng trơ gốc rạ đã bị ngập dưới nước. Thay vì chuẩn bị cho vụ đông như những vùng khác, người nông dân ở đây lại chèo thuyền ra đảo kiếm củi hay mò trai, ốc. Vừa vác bó củi trên vai, ông Nguyễn Văn Ngôn – ở xóm 8 xã Vạn Thọ – than vãn: “Nước dâng bất chợt, gia đình tôi không kịp trở tay. Cả 8 sào lúa ngập trắng, cả nhà hò nhau đi vớt lúa được tí nào hay tí ấy. Hết vụ xuân, cá trong hồ cũng không được đánh bắt, giờ chỉ biết đi kiếm củi về bán sống qua ngày thôi chú ạ”.

Anh Nguyễn Văn Thanh – người cùng xã – tiếp lời: “Vẫn biết là năm nào cũng ngập, nhưng nhiều khi vẫn trở tay không kịp anh ạ. Giá như được báo trước thì đỡ cho chúng tôi quá”. Ông Trưởng phòng NNPTNT huyện xác nhận: “Vì lý do trữ nước phục vụ nhiệm vụ chính của hồ, nên nhiều khi nước dâng mà nông dân chưa kịp thu hoạch vụ mùa. Nhiều lần tôi đã phải nhờ Trạm thủy nông hồ Núi Cốc chậm dâng nước cho bà con kịp thu hoạch, nhưng không phải lần nào cũng được”.

Xét về lý các hộ dân không được phép sinh sống trong vùng bán ngập theo cao trình đã thiết kế từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Việc nhảy dù trở lại vùng bán ngập là cực chẳng đã, nhưng điều trớ trêu là những hộ dân quay trở lại tái sử dụng đất đai đã giao lại cho công trình đại thủy nông lại được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ nhiều năm trước. Điều này được lãnh đạo của huyện Đại Từ gọi là “vướng mắc lớn do yếu tố lịch sử”.

Thoát đời bán ngập

Để giải quyết những vướng mắc do “yếu tố lịch sử” để lại, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất dự án di dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc. Gần 287 tỉ đồng từ nguồn ngân sách sẽ thực thi phương án bố trí, ổn định dân cư vùng bị ảnh hưởng, trên cơ sở quy hoạch lại sản xuất vùng bán ngập và hỗ trợ các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trong đợt tiếp xúc cử tri tại Thái Nguyên cuối tháng 9.2010, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh một lần nữa được nghe kiến nghị về việc di dời người dân trong vùng bán ngập từ bà Trương Thị Huệ – Bí thư Huyện ủy Đại Từ.

Đến ngày 1.11 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã ký quyết định đồng ý cho tỉnh Thái Nguyên thực hiện dự án nêu trên. Dự kiến, giai đoạn 2011 – 2012, dự án bố trí ổn định chỗ ở và sản xuất cho 713 hộ. Giai đoạn 2013 – 2015, tiếp tục hỗ trợ hạ tầng và sản xuất để ổn định tại chỗ cho 1.969 hộ.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, khi dự án được thực hiện, 362 hộ sẽ được di chuyển tái định cư, trong đó 176 hộ bị ngập nhà (dưới cao trình 46,2m) và 186 hộ bị bán ngập (nằm giữa cao trình 46,2m đến 48,25m), 2.320 hộ sẽ được ổn định tại chỗ. Đồng thời, dự án thực hiện lại quy hoạch sản xuất, khai thác thế mạnh thuỷ sản, quy hoạch thêm 108,9ha mặt nước đưa vào nuôi trồng thuỷ sản (phương án 1) hoặc quy hoạch thêm 92ha đất lúa sản xuất bấp bênh sang nuôi trồng thuỷ sản (phương án 2), thu hút khoảng 1.000 – 1.200 lao động chuyển nuôi trồng thuỷ sản.

Với quy hoạch phát triển hồ Núi Cốc thành trung tâm du lịch vùng, cư dân vùng bán ngập đang đứng trước cơ hội đổi đời, thoát cái cảnh tranh đất với lòng hồ suốt 10 năm qua.

Theo Vinh Hải/Báo Lao Động

Advertisement

About nongdan24g

Nông dân 24giờ mỗi ngày cùng lao động tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, những hạt lúa thơm ngon, thực phẩm giàu dinh dưỡng ... và giàu lên nhờ nông nghiệp. Hãy ghé mỗi ngày tại www.nongdan24g.com để có tin nông nghiệp sản xuất mới nhất.
Bài này đã được đăng trong Giao thương, Nông dân 24G và được gắn thẻ , , , , , , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s