Có mấy thống đốc ngân hàng trung ương?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đóng vai trò ngân hàng trung ương ở nước ta.

Ngân hàng trung ương có sứ mệnh bảo vệ sức mạnh của đồng nội tệ, đồng Việt Nam, có chức năng cung cấp tiền cho nền kinh tế (in tiền, đưa tiền vào và rút tiền ra khỏi lưu thông), đưa ra các chính sách tiền tệ (như lãi suất, tỷ giá) và cũng là người cho vay cuối cùng đối với các ngân hàng thương mại. Đứng đầu ngân hàng trung ương là thống đốc.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: TL

Tôi hay nửa đùa nửa thật với các bạn, khi họ trách Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, rằng ông Giàu chỉ là một trong nhiều “thống đốc”. Vậy ở Việt Nam có bao nhiêu ngân hàng trung ương? Có mấy thống đốc?

Chỉ có duy nhất một Ngân hàng Nhà nước Việt Nam! Có một thống đốc! Câu hỏi thật vô nghĩa!

Những ngày qua, khi tỷ giá và lãi suất biến động, báo chí đã đưa tin, Ông Lê Đức Thuý – Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC) – nói: “Chính phủ đặt yêu cầu không giảm lãi suất nữa, Ngân hàng Nhà nước phải để các ngân hàng thương mại huy động và cho vay theo thị trường” [lưu ý rằng không lâu trước đó chính phủ hô hào các ngân hàng hạ lãi suất. Báo cũng nói “tuyên bố dứt khoát của ông Lê Đức Thuý rằng sẽ không có chuyện NHNN điều chỉnh tỷ giá, cũng như không nới lỏng biên độ tỷ giá giữa đôla Mỹ và đồng Việt Nam, ít nhất là từ nay tới tết Nguyên đán đã đặt NHNN vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”; báo chí cũng bình luận “UBGSTC tuyên bố NHNN cần bán dự trữ ngoại tệ ra, can thiệp mạnh thì NHNN tuyên bố chỉ đáp ứng đối với các nhu cầu thiết yếu có chọn lọc”.

Đấy chỉ là thí dụ nóng bỏng nhất, còn có thể liệt kê nhiều sự “chỉ đạo”, sự “lệch pha” như vậy giữa NHNN và UBGSTC. Cứ như có mấy vị thống đốc, cứ như có sự cạnh tranh ngầm giữa hai cơ quan này. Và câu hỏi có mấy ngân hàng trung ương, có mấy ông thống đốc không phải là không có ý nghĩa thực tiễn. Chẳng có mấy nước lại để tình trạng này xảy ra.

Tại tất cả các nước phát triển và hầu hết các nước đang phát triển, ngân hàng trung ương là một định chế công hoạt động độc lập với chính phủ, không chịu ảnh hưởng của các quyết định chính trị của chính phủ. Các chuyên gia trong và ngoài nước cũng khuyên Việt Nam nên có ngân hàng trung ương độc lập, nhưng hiện nay NHNN vẫn là một cơ quan ngang bộ, và Thống đốc là thành viên Chính phủ.  Ngược lại, UBGSTC chỉ là một cơ quan tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ thành lập và ngân sách hoạt động của UBGSTC lấy từ ngân sách của Văn phòng Chính phủ. Thế nhưng, từ các phát ngôn có thể suy ra dường như UBGSTC là cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ và hình như chưa có sự phối hợp nhịp nhàng với NHNN. Chính vì thế các chính sách tiền tệ bị lệ thuộc vào các quyết định chính trị của Chính phủ quá nhiều.

Sự phụ thuộc đó là một điều dở đối việc hoạch định chính sách tiền tệ.

Nên chăng, NHNN ta cũng đóng vai trò một ngân hàng trung ương thực sự. Nó phải độc lập với Chính phủ, thống đốc không là thành viên Chính phủ, các phó thống đốc không ghi trên danh thiếp: “thứ trưởng, phó thống đốc” trước tên mình nữa. NHNN hoạt động theo một luật riêng.

Còn trong điều kiện như hiện nay, NHNN là một cơ quan của Chính phủ, Thống đốc là thành viên Chính phủ, thì trong nội bộ Chính phủ cần bàn với nhau trước khi đưa ra và khi đưa ra chính sách trước công chúng thì chỉ có một tiếng nói duy nhất, nhất quán của NHNN. Cách làm như vậy phải được quy định bằng một thủ tục được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và ban hành bằng văn bản. Đấy là cách khả dĩ để củng cố niềm tin, khắc phục tình trạng “ông chẳng bà chuộc”.

Cũng thật lý thú rằng đương kim Thủ tướng cũng đã từng là thống đốc ngân hàng trung ương một thời, và ông chủ tịch UBGSTC cũng vậy. Cùng chuyên môn, cùng hiểu rõ vai trò to lớn của lòng tin của giới kinh doanh và của nhân dân vào chính sách tiền tệ, hơn ai hết hai ông cựu thống đốc và ông đương kim thống đốc nên tìm ra cách thích hợp để thực thi đúng quyền lực của mình đồng thời để củng cố lòng tin một cách tốt nhất, xoá tan sự hiểu lầm do sự phối hợp chưa nhịp nhàng có thể gây ra.

Theo Nguyễn Quang A/Lao Động

Advertisement

About nongdan24g

Nông dân 24giờ mỗi ngày cùng lao động tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, những hạt lúa thơm ngon, thực phẩm giàu dinh dưỡng ... và giàu lên nhờ nông nghiệp. Hãy ghé mỗi ngày tại www.nongdan24g.com để có tin nông nghiệp sản xuất mới nhất.
Bài này đã được đăng trong Giao thương và được gắn thẻ , , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s