Sáng 14.11, giá dâu tây đã nhảy vọt lên gần 90.000 đồng/kg – cao nhất từ trước đến giờ, nhưng nhà vườn không có để bán. Lãnh đạo Hội Nông dân TP.Đà Lạt cho biết, hiện có nhiều loại bệnh đang diễn biến khá phức tạp trên vườn dâu tây, nên đặc sản này của Đà Lạt đang tăng giá.
Nông dân đành quay lưng
Hội Nông dân TP.Đà Lạt ước tính, Đà Lạt có không đến 90ha dâu tây được canh tác thường xuyên trong tổng diện tích 1.000ha rau của TP. Tuy nhiên, do sâu bệnh, hiện diện tích cây đặc sản dâu tây Đà Lạt chỉ còn không đến 40ha; đồng thời, năng suất cũng giảm từ 40kg/sào/2 ngày (theo chu kỳ thu quả) xuống còn 15 – 20kg/sào/2 ngày.
Anh Nguyễn Quang Thanh nói: “Vườn dâu tây 3 sào của ông tôi (ông Võ Đức) từ trước đến nay được xem là vườn dâu “miễn dịch”, nhưng hiện tại thì đành bó tay, không thể ngăn cản được bởi sâu bệnh tấn công mạnh quá!”. Cũng tại phường 8, cơ sở buôn bán hàng đặc sản Đà Lạt tại nhà của anh Ngô Danh (cơ sở Danh Hòa, 290 đường Nguyên Tử Lực) vừa buôn bán mứt dâu, vừa tổ chức khách du lịch tham quan vườn và hái trái tại chỗ, nay cũng đành chuyển từ trồng dâu tây sang trồng hoa. Anh Ngô Danh cho biết: “Nửa sào dâu của tôi mọi năm là điểm tham quan và mua hàng lý thú của du khách; nay đành phá bỏ bởi sâu bệnh dữ quá, không thu được lợi”.
Tại phường 6 – một trong những vùng trọng điểm dâu tây của Đà Lạt – diện tích trồng dâu tây của Hợp tác xã dâu tây từ 4,2ha (của 16 hộ thành viên) trước đây nay giảm còn không đến một nửa. Nhiều thành viên của HTX như ông Nguyễn Văn Chi đã phải phá 1 sào dâu tây để chuyển sang trồng bí ngồi; ông Thái Văn Hải chuyển toàn bộ 2,5 sào dâu tây sang trồng hoa cúc; ông Trần Anh trồng rau cao cấp trên 1,2ha dâu tây trước đó… Nông dân Đà Lạt dần buộc phải quay lưng với cây đặc sản dâu tây đang là một thực tế đáng báo động!
Có cứu được cây đặc sản?
Cách nay khoảng trên dưới chục năm, nhà vườn Đà Lạt đã một lần “cách mạng” vườn dâu tây bằng việc nhập về một số giống mới có nguồn gốc từ Mỹ, New Zealand, Đài Loan… để thay thế các giống dâu tây cũ đã thoái hóa. Tuy nhiên, qua thời gian, đến lúc này hầu hết các giống đó cũng đã bắt đầu xuống cấp. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, biểu hiện phổ biến trên cây đặc sản dâu tây Đà Lạt hiện nay là cây đến kỳ cho trái bỗng đột nhiên vàng lá, nổ đốm, thân khô dần rồi chết; nhổ gốc quan sát thì thấy bộ rễ nhũn thối. Hiện tại, khó khăn mà cơ quan chức năng (Chi cục Bảo vệ thưc vật, Sở NNPTNT Lâm Đồng…) là không có nhiều tài liệu nói về cây dâu tây, đặc biệt là tài liệu hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh.
Nông dân Đà Lạt đã thực sự “bó tay” trước tình trạng cây dâu tây đặc sản chết hàng loạt. Vậy còn cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng sẽ phải làm gì để cứu loại cây trồng từng góp phần làm nên thương hiệu Đà Lạt này?
Theo Khắc Dũng/Lao Động