Oan cho thủy điện (!)

Trách nhiệm trong việc thủy điện ồ ạt xả lũ gây ngập lụt, thiệt hại cho hạ lưu đã không được mổ xẻ đến cùng tại hội thảo về công tác vận hành các hồ chứa thủy điện

Mở đầu hội thảo “Công tác vận hành các hồ chứa thủy điện” do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 13-11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Công Vượng nêu hàng loạt nguyên nhân khách quan dẫn đến lũ lụt lớn ở miền Trung. Tuy nhiên, ông hạn chế đề cập chuyện thủy điện xả nước làm lũ thêm hung hãn.

Thủy điện vô can?!
Ông Phương Hoàng Kim, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ Bộ Công Thương, đọc bản báo cáo dài 9 trang với nội dung chủ yếu là thành tích của thủy điện, giá trị kinh tế, tuân thủ đúng quy trình…; còn phần hạn chế hết sức mờ nhạt.
Tuy vậy, báo cáo này cũng nêu được nhiều công trình thủy điện đã bộc lộ một số khiếm khuyết trong thiết kế, thi công, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cũng như hiệu quả khai thác.
Đại diện địa phương duy nhất phát biểu tại hội thảo nhưng lại thuộc ngành công thương, ông Đào Tiến Cam, Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên, đã có những ý kiến hoàn toàn ngược với bức xúc của người dân và đại biểu Quốc hội quê ông.
Ông Cam phân trần: “Tôi sinh ra, lớn lên ở hạ du sông Ba Hạ. Xưa nay, ở đây vẫn có lũ lụt, không phải bây giờ mới có”. Theo ông Cam, việc xả lũ gây tác hại cho dân sinh là rất lớn nhưng nhờ có thủy điện, lũ đã bớt hơn! Trong đợt lũ lụt lịch sử ở Phú Yên năm 2009, thủy điện đã góp phần giảm cường độ lũ. Phú Yên có 3 hồ thủy điện với tổng dung tích chưa đầy 300 triệu m3 nên khả năng chống lũ rất hạn chế. “Phải đánh giá công bằng chứ đổ hết cho thủy điện là không đúng” – ông Cam nói.

Vỡ đập Hố Hô gây ngập nặng ở hạ lưu Hà Tĩnh, tháng 10-2010. Ảnh: KHÁNH TRÌNH

Chưa hết, đại diện địa phương bị lũ lụt hoành hành vừa qua này còn nhìn nhận: “Nếu nói thủy điện sông Ba Hạ không tuân thủ quy trình liên hồ thì có phần oan. Thực tế, họ có báo cáo cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) Phú Yên, chỉ không báo cáo UBND tỉnh. Cần có nhìn nhận đúng mức khi quy kết thủy điện sông Ba Hạ không tuân thủ quy trình ”.
Được lời như cởi tấm lòng, ông Võ Văn Tri, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện sông Ba Hạ, cho biết khi xả lũ đã “sót” báo với UBND tỉnh Phú Yên vì do số fax sai và gọi điện cho tỉnh không được; người phụ trách việc này lại đi công trường, không báo lại nên không nắm. Ông Tri đổ lỗi sự chậm trễ, bị động của thủy điện sông Ba Hạ là do không biết đỉnh lũ lúc nào lớn nên rất lúng túng, khó điều hành khi xả lũ.
Tương tự, ông Đoàn Tiến Cường, Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Yaly và ông Nguyễn Trâm, Tổng Giám đốc Nhà máy Thủy điện A Vương, cũng đổ cho việc lũ về nhanh là do rừng bị tàn phá quá nhiều. Theo họ, cần xem xét về việc đổ lỗi cho thủy điện gây thêm lũ.
Bó tay vì thiếu quy định xử phạt
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, tổng hợp chất vấn đại biểu tại kỳ họp Quốc hội cho thấy có rất nhiều câu hỏi về tình trạng thủy điện nhỏ và vừa làm lũ trầm trọng thêm. Nhiều ý kiến đề nghị rà soát các thủy điện loại này, nếu không hiệu quả thì loại bỏ.

 

Tuy nhiên, một quan chức của Bộ Công Thương là ông Cao Anh Dũng (Ban Chỉ huy PCLB – Tìm kiếm cứu nạn của bộ) đã có ý kiến gần như trái chiều. Ông Dũng cho biết bộ đã phê duyệt 20 kế hoạch bảo đảm an toàn hồ thủy điện, còn quy trình liên hồ đến nay mới chỉ có ở 3 sông Đà, Ba và Vu Gia – Thu Bồn, trong khi cần tới 11. Khoảng trống này dẫn đến rất nhiều khó khăn trong việc vận hành giữa các hồ trên cùng một lưu vực sông.
Ông Dũng cũng nêu ra một căn cứ về sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của nhiều cơ quan chức năng và chủ các hồ thủy điện: Các hồ xây dựng quy trình vận hành nhưng lại không có cơ quan thẩm quyền phê duyệt mà chủ yếu là tự làm, tự duyệt.
Nhiều hồ chứa thực hiện chưa đúng nghị định của Chính phủ về PCLB, chất lượng phương án PCLB chưa cao. Đồng thời, việc cung cấp và chia sẻ thông tin giữa các chủ hồ chưa thường xuyên, trong khi quy định về việc này đã rất rõ.
“Ban Chỉ huy PCLB – Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương cũng như các địa phương không có thông tin nào về các hồ thủy điện nhỏ. Điển hình như thủy điện Hố Hô, ngay cả Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng nắm tù mù”.
Ông Dũng cho rằng hầu hết những tồn tại của các hồ thủy điện bắt nguồn từ việc chưa có quy định xử phạt đối với việc vận hành sai quy trình. Do đó, Nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành quy định xử phạt hành vi sai phạm trong vận hành hồ chứa thủy điện.
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng, việc dự báo mưa lũ cho các hồ thủy điện rất phức tạp, khó khăn. “Trong tình hình hiện nay, giải pháp ngăn lũ hiệu quả cho miền Trung vẫn phải chờ” – ông Tăng khẳng định.
Ông Tăng cho biết Bộ Tài nguyên – Môi trường vừa có công văn đề nghị các chủ hồ chứa phải thông báo kế hoạch xả lũ trong 24 giờ với lưu lượng, thời gian bao nhiêu là cần thiết để làm thủy văn cho hạ du. Theo ông Tăng, việc thông báo có thể linh hoạt tới 48 giờ hoặc 4-6 giờ, tùy dung tích của hồ.
Ông Dũng kiến nghị về lâu dài, cần bổ sung, sửa chữa các quy định pháp luật vì công tác quản lý thủy điện hiện khá chồng chéo. Quy định phân cấp các địa phương quản lý loại thủy điện từ 30 MW trở xuống, Bộ Công Thương quản lý từ 30 MW trở lên hiện chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn chi tiết về bảo đảm an toàn đập. Trong quý I/2011, sẽ ban hành hướng dẫn nội dung chi tiết cho an toàn đập; còn an toàn hạ lưu do địa phương làm nên các tỉnh cần vào cuộc nhanh.
Rà soát, loại bỏ thủy điện nhỏ

Kết luận hội thảo, ông Hoàng Công Vượng khẳng định ngoài việc phát điện, thủy điện có nhiệm vụ quan trọng là cắt lũ cho hạ du và chống hạn.
Theo ông Vượng, loại hồ thủy điện dung tích trên 1 triệu m3 trình Bộ Công Thương, dưới 1 triệu m³ trình cấp tỉnh phê duyệt.

Ông Vương yêu cầu Vụ Năng lượng Bộ Công Thương rà soát lại các dự án thủy điện nhỏ với công suất vài MW, nếu không hiệu quả thì có phương án loại bỏ.

Tuy nhiên, theo Vụ Khoa học – Công nghệ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng lập quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc (công suất 1-30 MW) ở 23 tỉnh, TP.

Đáng chú ý là UBND các tỉnh, TP này đã chỉ đạo ban, ngành địa phương lập quy hoạch khai thác thủy điện trên các sông, suối nhánh còn lại, trình Bộ Công Thương thỏa thuận để phê duyệt và kêu gọi đầu tư.

Theo Thế Dũng/Người Lao Động
Advertisement

About nongdan24g

Nông dân 24giờ mỗi ngày cùng lao động tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, những hạt lúa thơm ngon, thực phẩm giàu dinh dưỡng ... và giàu lên nhờ nông nghiệp. Hãy ghé mỗi ngày tại www.nongdan24g.com để có tin nông nghiệp sản xuất mới nhất.
Bài này đã được đăng trong Giao thương và được gắn thẻ , , , , , , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s