Nghịch lý ở xứ sâm

Ở làng sâm Măng Tu heo hút giữa núi rừng Ngọc Linh trùng điệp tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My – Quảng Nam, người thì có tài sản trong tay đến cả trăm tỉ đồng, kẻ lại túng thiếu đủ bề

Từ trung tâm xã Trà Linh, huyện Nam Trà My – Quảng Nam, sau cả ngày trèo đèo lội suối, chúng tôi mới đến được làng trồng sâm Măng Tu. Trời sẩm tối, khung cảnh hoang sơ mở ra trước mắt chúng tôi với những ngôi nhà sàn chập chùng trong sương khói.
Sương bao phủ từ núi non trùng điệp đến những lối đi và cả bạt ngàn rừng sâm. Ở Măng Tu, nhà trồng ít cũng vài ngàn, nhà nhiều thì vài chục ngàn cây sâm Ngọc Linh.
Biệt lập giữa núi rừng
Từ ngoài, có hai con đường có thể tới Măng Tu. Một đường từ huyện Tu Mơ Rông – Kon Tum qua, đường còn lại từ trung tâm xã Trà Linh đến. Cả hai con đường đều phải qua nhiều đèo, suối, người khỏe cũng phải mất gần một ngày lội bộ mới tới.
Măng Tu có khá đông người Xê Đăng sinh sống từ hơn 100 năm nay bên cạnh người Kinh. Chính vì biệt lập với bên ngoài nên cuộc sống của phần lớn người dân Măng Tu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Ngoài trồng sâm, người dân ở đây còn làm ruộng bậc thang nhưng chỉ trồng những giống lúa lỗi thời, cộng với việc canh tác không bón phân, phun thuốc nên năng suất rất thấp, đói nghèo luôn đeo đuổi. “Trước đây, dân Măng Tu mình còn nuôi trâu, bò nhưng đợt rét năm 2009 làm đàn gia súc chết hết, giờ không ai dám nuôi nữa đâu” – một già làng cho biết.
Hàng hóa, vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hằng ngày… đều phải gùi từ huyện Tu Mơ Rông tới. Đường sá xa xôi, lối đi trắc trở nên  khi đến được Măng Tu, thứ gì cũng đắt đỏ và trở nên khan hiếm. “Nhiều người tính xây nhà gạch nhưng hỏi ra, cát giá 2.000 đồng/kg, xi măng đến 350.000 đồng/bao…, thấy tốn kém quá nên thôi. Đã vậy mà nhiều khi muốn mua cũng không có!” – anh Nguyễn Văn Nô, người làng Măng Tu nói.
Măng Tu không có lấy một lớp học. Muốn tìm cái chữ, bọn trẻ phải sang tận làng Măng Lùng cùng xã, băng qua hai quả đồi, một con suối nhưng cũng chỉ học được đến lớp 5.
Tỉ phú Nguyễn Văn Lượng chăm sóc vườn sâm hơn 10 năm tuổi của mình
Khi đau ốm, bệnh tật, ít khi người Măng Tu đến trạm y tế xã vì thiếu thốn thuốc men, đi lại vất vả. Hơn nữa, bà con dân tộc ít người ở đây vẫn còn tập tục mời thầy cúng về nhà đuổi bệnh.
Chỉ khi có ca bệnh nặng, gia đình nào “tiến bộ” và quan trọng là có tiền thì mới mượn thanh niên trong làng bắc võng khiêng băng rừng vượt suối đến xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, mất cả ngày.
Sau đó, họ thuê xe với giá vài ba triệu đồng chở người bệnh đến Bệnh viện huyện Nam Trà My chữa trị. Không ít người đã chết trên đường đưa đến nơi chữa trị. Năm 2009, Măng Tu có gần 10 người chết như vậy.
Nhà nhà trồng sâm
Theo người già trong làng Măng Tu, những năm 1970, sâm mọc thành từng đám dày đặc trên núi Ngọc Linh. Người Măng Tu khi đó gọi sâm là cây thuốc rừng. Mỗi khi bị thương, họ lấy thuốc rừng nhai nhỏ đắp vào vết thương, hay ăn vài củ lúc đau bụng, yếu người…
Sau đó, có người ở nơi khác tới hỏi mua thuốc rừng, thế là dân Măng Tu đổ lên  núi đào về bán. Sau một thời gian, thuốc rừng trở nên khan hiếm và người dân bắt đầu dùng củ cắt thành lát đem trồng. Đến khoảng năm 1990, người Măng Tu mới biết dùng hạt thuốc rừng trồng thay cho dùng bằng củ như trước.
Những năm gần đây, khi thương lái đến thu mua ngày càng nhiều, giá càng cao thì người Măng Tu đã ý thức được giá trị của sâm Ngọc Linh và nhà nào cũng lên rừng trồng sâm. Lúc đầu, họ trồng riêng lẻ nên thường bị thú rừng ăn hạt, phá củ. Kẻ gian ở ngoài làng lại thường lui tới trộm cắp nên người Măng Tu đã thành lập những tổ, nhóm trồng sâm, thay nhau bảo vệ. Hàng chục hecta trồng sâm ở Măng Tu có 3 nhóm, mỗi nhóm 5 hộ, chia nhau bảo vệ.

Từ những vườn sâm Ngọc Linh này, người dân Măng Tu sẽ sớm vươn lên khá giả

Ông Hồ Văn Ngơng, thôn phó thôn 2 ở làng Măng Tu, cho biết: “Chúng tôi không thể thống kê được diện tích trồng sâm của bà con vì họ không khai báo, cũng không cho đến xem.
Chỉ khi nhà nào mang sâm đi bán, chúng tôi mới biết họ có trồng”. Chúng tôi nêu nghịch lý là sâm Ngọc Linh giá rất cao, nhà nhà ở Măng Tu đều trồng nhưng hầu hết lại túng thiếu đủ bề, ông Ngơng trầm ngâm một hồi rồi lý giải: “Bà con trồng còn tự phát, thiếu kỹ thuật nên sâm không mọc hoặc mọc xấu. Trồng sâm không dễ, phải tìm được chỗ đất mà trước đó sâm tự nhiên đã mọc. Có nhiều nơi đất đai màu mỡ nhưng trồng sâm không lên. Nhiều gia đình hễ có ma chay, cưới hỏi hay đau ốm… đã vội bán sâm non lấy tiền lo công việc”.
“Đại gia” núi Ngọc Linh

Chúng tôi đã gặp không ít người có trong tay tài sản hàng chục, thậm chí cả trăm tỉ đồng ở xứ sâm heo hút giữa núi rừng Ngọc Linh. Trong đó, người được xem là “đại gia” ở Măng Tu là anh Nguyễn Văn Lượng, năm nay mới 36 tuổi.
Lượng không thích nói nhiều về chuyện trồng sâm. Sau một đêm thuyết phục, hôm sau chúng tôi mới được anh kể về chuyện làm giàu từ loài cây quý này. Lớn lên giữa núi rừng Ngọc Linh, Lượng là một trong vài người biết trồng sâm sớm nhất ở Măng Tu.
Khi người dân ở đây còn chưa biết trồng thì Lượng đã thỉnh thoảng có hàng chục ký sâm gùi trên vai xuống núi bán. “Cả đi và về mất hàng tuần liền nên ban ngày đi, ban đêm tôi phải mắc võng giữa rừng sâu nằm ngủ”- anh nhớ lại.
Ky cóp, chắt chiu như vậy mãi, đến nay, rừng sâm của Lượng đã có hơn 20.000 cây trên 10 năm tuổi, mỗi cây cho củ khoảng 1 lạng. Chúng tôi thử tính toán: Với giá thu mua xấp xỉ 50 triệu đồng/kg sâm tươi hiện nay, vườn sâm của Lượng trị giá đến cả trăm tỉ đồng.
Lượng khoe: “Hiện tôi đang ươm hơn 5.000 cây sâm giống để tiếp tục mở rộng diện tích. Ngoài ra, tôi đang có một cây sâm lâu năm, củ nặng trên 1,2 kg. Loại sâm này không thể định giá được vì chất lượng rất tốt và cực hiếm”.
Củ sâm Ngọc Linh 10 năm tuổi nặng khoảng 1 lạng hiện có giá 5 triệu đồng
Lượng cũng chính là người họp cả làng lại để thành lập các tổ trồng sâm, rồi phân công, bố trí việc trông coi và chăm sóc. Anh kể: “Từ nhỏ, mình đã theo cha lên núi tìm sâm. Lớn lên, mình bắt đầu trồng và rút ra những kinh nghiệm để trồng sâm hiệu quả nhất”.
Lượng cho biết anh không chỉ làm giàu từ sâm. Anh Nguyễn Văn Nô cho biết Lượng là người đầu tiên mua máy xát lúa về Măng Tu. Lượng nhớ lại: “Năm đó, mình dẫn theo 50 trai làng khoẻ mạnh xuống huyện mua máy xát lúa.
Sau 3 ngày 2 đêm thay nhau khiêng, máy mới đưa được về làng. Tuy nhiên, với tập quán giã gạo bằng cối đã quen, rất lâu sau dân làng mới dùng đến máy này”. Cách đây vài năm, Lượng còn bỏ ra 200 triệu đồng mua trâu, bò về nuôi nhưng sau đợt rét năm 2009, chúng đã chết hết.
Ngoài Lượng, ở Măng Tu còn nhiều người khác làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh, trong đó có thôn phó Hồ Văn Ngơng. Ông Ngơng là một trong những người biết trồng sâm sớm nhất ở Măng Tu. Hiện vườn sâm của ông trị giá hàng chục tỉ đồng.
Rời núi rừng Ngọc Linh, đi giữa bạt ngàn rừng sâm, chúng tôi tin tưởng một ngày không xa, người dân Măng Tu sẽ thoát cảnh  khó khăn trong cuộc sống, sớm vươn lên khá giả bằng chính loại cây quý này.
“Thần dược” nhiều công hiệu

Sâm Ngọc Linh sinh trưởng ở độ cao 1.200 m – 2.100 m, sống chủ yếu ở núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắk Tô – Kon Tum và huyện Nam Trà My – Quảng Nam.

Ngọc Linh là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978, phần thân và rễ của sâm Ngọc Linh chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin với cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác (sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin).
Những kết quả nghiên cứu mới nhất được công bố đã khẳng định sâm Ngọc Linh có đến 52 loại saponin. Như vậy, Ngọc Linh là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất thế giới.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sâm Ngọc Linh có công hiệu bổ toàn thân, trị suy nhược cơ thể, bổ thần kinh và sinh dục, tăng sức, tăng trí nhớ…
Trong dân gian, đồng bào Xê Đăng dùng sâm Ngọc Linh làm thuốc cầm máu, làm lành vết thương, bồi bổ người ốm, chữa sốt rét, đau bụng, chảy máu, phù nề…

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Advertisement

About nongdan24g

Nông dân 24giờ mỗi ngày cùng lao động tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, những hạt lúa thơm ngon, thực phẩm giàu dinh dưỡng ... và giàu lên nhờ nông nghiệp. Hãy ghé mỗi ngày tại www.nongdan24g.com để có tin nông nghiệp sản xuất mới nhất.
Bài này đã được đăng trong Giao thương, Nông dân 24G và được gắn thẻ , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s