
Lễ chiêu hồn, cầu siêu cho chín ngư dân xấu số ngay bến cá xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) vào sáng 28.10
Sáng 28.10, đại diện chính quyền xã và người nhà chín nạn nhân cùng nhân dân địa phương đã ra bến cá Ngư Lộc để làm lễ cầu siêu, chiêu hồn cho các ngư dân xấu số bị mất tích trên biển. Tang trắng, tiếng khóc khản giọng của thân nhân phủ đầy Ngư Lộc ngày đau thương.
Ngày đại tang
Chúng tôi hoà vào dòng người thân của chín nạn nhân đang khóc não lòng, kêu tên chín ngư dân xấu số vang vọng khắp bến cá Ngư Lộc. Những người vợ vật vã bên bát hương của chồng gào khản giọng. Những ông bố, bà mẹ khô gầy, đau khổ không tin cuộc đời có lúc đầu bạc phải khóc đầu xanh. Những đứa trẻ gọi tên bố trong vô vọng. Sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả, những người thân của chín ngư dân ở Ngư Lộc, Minh Lộc hầu như đã kiệt sức. Không ai dám nói điều xui xẻo, xấu nhất, nhưng thực tế người thân của chín ngư dân đã phải chấp nhận trong đau đớn tột cùng là tổ chức lễ cầu siêu, chiêu hồn và phát tang để linh hồn các nạn nhân siêu thoát. Những nạn nhân mất tích đều là các lao động chính của gia đình.
Được người thân dẫn ra bến cá Ngư Lộc để cầu siêu cho chồng, chị Nguyễn Thị Thuỷ (25 tuổi) – vợ nạn nhân Nguyễn Văn Hợp (thuyền trưởng) gào tên chồng khản cả giọng.
Ông Nguyễn Văn Hoà (50 tuổi), bà Trần Thị Dung (48 tuổi) – bố mẹ của nạn nhân Hợp bấu víu vào bàn thờ con trai khóc nấc lên từng tiếng: “Hợp ơi! Sao con để đầu bạc phải khóc đầu xanh. Cha mẹ còn không được nhìn thấy mặt con. Đau đớn quá con trai ơi!”
Mấy ngày hôm nay khóc thương chồng khản cả giọng, chị Đồng Thị Bắc (27 tuổi, ở thôn Thắng Tây) – vợ của nạn nhân Trần Văn Bình không muốn ăn uống gì. Ngày nào chị Bắc cũng bế hai đứa con nhỏ ra bến cá Ngư Lộc gọi tên chồng. Anh Bình ra đi để lại cho chị Bắc một nách hai đứa con thơ dại (một đứa ba tuổi, một đứa một tuổi). Gia đình nội ngoại đều là ngư dân bám biển, cuộc sống nghèo đói trăm bề. Khi hai vợ chồng chị Bắc ra ở riêng không có nơi cắm dùi. Vay mượn mãi mới được hơn 30 triệu đồng, anh chị quyết định mua căn nhà tạm bợ che mưa nắng cho con nhỏ. Đến nay chưa trả hết nợ tiền mua nhà thì anh Bình vội ra đi mãi mãi.
Còn gia đình bà Đồng Thị Quyên – vợ nạn nhân Nguyễn Văn Sửu cũng có hoàn cảnh khá éo le. Ông Sửu là lao động chính trong gia đình, mất đi, để lại vợ đau yếu triền miên và đứa con 10 tuổi đang học lớp bốn. Bên cạnh đó, tại Ngư Lộc hôm nay có hàng chục đứa trẻ mang vành tang trắng trên đầu. Người bố là lao động chính trong gia đình. Người mẹ hầu hết là không có nghề nghiệp, chỉ ở nhà nội trợ. Bố mất đi rồi, con đường đến trường của các em nhỏ nơi đây sẽ gặp rất nhiều vất vả.
Hỗ trợ các gia đình nạn nhân
Chị Đồng Thị Bắc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) và hai con cùng người thân đau buồn, khóc than bên bàn thờ anh Bình. |
Chiều 28.10, ông Nguyễn Văn Ngữ – chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: “Sau khi nhận được tin buồn, đại diện ban Dân vận tỉnh uỷ, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở Lao động, thương binh và xã hội, hội chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hoá, UBND huyện Hậu Lộc, UBND xã Ngư Lộc đã đến động viên, chia sẻ những khó khăn với các gia đình có chín ngư dân bị mất tích trên biển. Trước mắt, các cơ quan này đã hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân 7 triệu đồng. Nhân dân địa phương đã quyên góp tiền, gạo, đồ dùng thiết yếu để hỗ trợ thêm. Các gia đình nạn nhân đều thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là các trẻ em đang trong độ tuổi đến trường. Cuối năm 2008, tại xã Ngư Lộc cũng đã có một chiếc tàu câu mực của ông Nguyễn Văn Chữ (ở thôn Chiến Thắng) cũng bị mất tích trên biển Đông. Trên tàu lúc đó có mười ngư dân, trong đó riêng gia đình ông Chữ có hai con trai, một con rể mất tích, đến nay vẫn chưa có tung tích gì về chiếc tàu này. Từ năm 1996 đến nay, tại xã Ngư Lộc có tới gần 150 ngư dân bị chết, mất tích ngoài biển. Hiện nay, UBND xã đang phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết chế độ bảo hiểm cho các nạn nhân tham gia đóng bảo hiểm theo quy định…”
Một ngày mới lại bắt đầu nơi cửa biển Ngư Lộc. Hàng trăm ngư dân địa phương lại đang chuẩn bị ngư cụ, đồ dùng thiết yếu cho những chuyến ra khơi. Cầu mong cho trời yên, biển lặng để ngư dân nơi đây bám biển và trở về trong bình yên. Để nơi bến cá Ngư Lộc không phải còn chứng kiến ngày đại tang như sáng 28.10 nữa.